Nhiều nơi học sinh lớp 1 đã đọc thông, viết thạo
Năm học 2020 - 2021, học trò lớp 1 bước vào năm học đầu tiên thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới. Trước khi đưa vào triển khai, ngành giáo dục và các địa phương đã có bước chuẩn bị suốt 5 năm qua.
Đội ngũ giáo viên cũng xác định là những người đầu tiên thực hiện một nhiệm vụ mới sẽ phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Và sau nhiều nỗ lực, khó khăn đã qua, giáo viên tự hào kể về thành quả của mình sau một học kỳ dạy học với chương trình mới.
Cô Nguyễn Hoàng Mỹ Anh (giáo viên Trường Tiểu học Vietkids, Hà Nội) gọi học kỳ vừa qua là một trải nghiệm khó quên trong những năm làm nghề, bởi trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc. Nhớ lại những ngày đầu tiếp cận với chương trình, SGK mới, cảm giác đầu tiên là “choáng” về sự “đồ sộ” của nội dung bài đọc, rồi áp lực về phương pháp giảng dạy cũng như lo lắng về hướng tiếp cận mới để học sinh có thể đọc nhanh, đọc tốt.
Hay áp lực khi phải giải thích với phụ huynh về những lý do nhà trường chọn bộ sách Cánh Diều, khi dư luận xã hội có nhiều ý kiến trái chiều về những chi tiết, bài học chưa phù hợp trong SGK. Nhưng vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, giờ cô có thể tự hào kể về những “trái ngọt” đầu tiên mà mình thu được.
“Qua kỳ học đầu tiên, học sinh cả lớp đã đọc thành thạo âm, vần và các bài đọc dài, tốc độ đọc nhanh hơn so với năm trước. Đặc biệt những bài chính tả các con làm rất chắc chắn.
Ngoài ra, các dạng bài trong vở bài tập cũng không gây khó khăn, ngược lại còn giúp các con phát huy tối đa năng lực của mình” - cô Mỹ Anh vui vẻ.
Giải thích về những thành công ban đầu, cô Mỹ Anh cho rằng, nhờ chương trình giáo dục phổ thông mới đã trao quyền chủ động cho giáo viên. SGK mới có nhiều ưu điểm vượt trội, kênh chữ, kênh hình bắt mắt, gắn kết nội dung bài học với thực tiễn. Đặc biệt có thêm phiên bản điện tử, hoạt hình hóa các bài kể chuyện, tạo hứng thú cho học sinh trong học tập, giúp các em ghi nhớ nội dung câu chuyện dễ dàng và nhanh chóng.
Cô Nguyễn Thị Hải Hà (giáo viên dạy lớp 1 Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo, TP.Hạ Long, Quảng Ninh) cũng cho biết, học trò của cô cũng đã đọc thông, viết thạo sau hơn 4 tháng trải nghiệm chương trình, SGK mới.
“Chương trình và SGK đều thiết kế theo hướng tăng hoạt động trải nghiệm, học sinh được nói, được làm, được thể hiện năng lực nhiều hơn, nhờ vậy các con đã chủ động lĩnh hội kiến thức. Chính mình cũng bất ngờ với lứa học sinh lớp 1 năm nay, các con đọc tốt, đọc rõ ràng và đặc biệt rất tự tin”- cô Hà nói.
Sau một học kỳ triển khai, hiện nhiều địa phương đang thực hiện khảo sát, đánh giá về kết quả bước đầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Ông Bạch Đăng Khoa - Phó Giám đốc Sở GDĐT Bắc Giang - cho biết, trong tuần qua, ngành giáo dục của tỉnh bằng các kênh khác nhau đã gửi phiếu khảo sát xuống từng giáo viên dạy lớp 1. Ghi nhận bước đầu, kết quả rất khả quan.
“Tôi đã trực tiếp đi khảo sát, kiểm tra ở nhiều trường học, đến những trường khó khăn nhất trên địa bàn tỉnh - nơi còn thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, hay những nơi có 100% học sinh là người dân tộc thiểu số. Mỗi trường học, tôi đều làm một bài kiểm tra nhỏ là xuống các lớp, đọc một vài câu có các âm, vần mà học sinh đã học trong học kỳ I. Kết quả chính tôi cũng bất ngờ, đa số học sinh lớp 1 có thể nghe và viết theo, chữ lại rất đẹp. Đặc biệt, lứa học sinh lớp 1 năm nay rất chủ động, tự tin. Khi có khách đến lớp, các em chủ động hỏi han, giao tiếp, trao đổi, bày tỏ suy nghĩ - đây là năng lực mà các lứa học sinh khóa trước còn hạn chế. Chứng kiến sự tiến bộ của học trò trong việc lĩnh hội kiến thức và các kỹ năng cần thiết, với những người công tác trong ngành Giáo dục như chúng tôi, còn niềm vui nào hơn nữa” - ông Khoa chia sẻ.
Kiên định, kiên trì mục tiêu đổi mới
Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng xác định một trong các nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ là đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định, việc “phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” là một trong 3 khâu đột phá chiến lược để thực hiện mục tiêu đưa đất nước phát triển phồn vinh, thịnh vượng.
Để thực hiện được mục tiêu đó, Giáo dục giữ vai trò quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, những con người năng động, sáng tạo, là tiền đề cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Để thực hiện được điều này, ngành Giáo dục bắt buộc phải đổi mới trong phương thức dạy và học, gắn học với hành. Trong vòng 5 năm qua, với sự chỉ đạo sát sao của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, toàn ngành Giáo dục đã có những chuyển động quan trọng để triển khai lộ trình đổi mới. Trong đó năm học 2020-2021 đánh dấu năm đầu tiên của lộ trình đổi mới. Lần đầu tiên chương trình giáo dục phổ thông được xây dựng một cách bài bản, từ chương trình tổng thể đến các chương trình môn học, hoạt động giáo dục. Chương trình mới theo hướng tiếp cận phát triển phẩm chất, năng lực người học; nội dụng tinh giản, gắn với thực tiễn. Việc đổi mới kiểm tra, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật học sinh cũng từng bước được điều chỉnh theo hướng đánh giá năng lực và sự tiến bộ của học sinh, từng bước thay đổi tâm lý chạy theo thành tích.
Theo cô Đỗ Thị Trang - Trường Tiểu học Danh Thắng (huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang), thời gian đầu thực hiện đổi mới, đúng là có khó khăn. Trong các hội nhóm của giáo viên, có không ít thầy cô kêu ca rằng bài dài, chương trình trong SGK nặng, rồi áp lực từ dư luận. Sau đó, càng làm quen, càng trải nghiệm, cô Trang và đồng nghiệp đều khẳng định cái hay của chương trình giáo dục phổ thông mới là trao quyền chủ động cho giáo viên.
“Chương trình chỉ quy định chuẩn đầu ra, còn việc tổ chức dạy học ra sao là do giáo viên chủ động, phù hợp với từng đối tượng học sinh. Vì thế, sau này nếu bài dài, dạy buổi sáng chưa hết, chúng tôi có thể dạy tiếp buổi chiều, vì học sinh tiểu học đã triển khai học 2 buổi/ngày. Cái đích cuối cùng là học sinh lớp 1 biết đọc thông, viết thạo. Nếu so với chương trình, SGK cũ, thì chương trình và SGK mới đang có điểm ưu việt hơn và học sinh lĩnh hội kiến thức, đạt chuẩn kiến thức nhanh hơn”- cô Trang cho biết.
Theo nhiều giáo viên, cái mới, nhất là trong giáo dục, không phải lúc nào cũng diễn ra một cách dễ dàng, vì liên quan đến mọi người, mọi nhà, trong khi xã hội kỳ vọng ở giáo dục rất cao. Nhất là việc chuyển từ chương trình giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang định hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học lại tác động tới nhiều đối tượng khác nhau, từ người dạy, người học đến cả cha mẹ học sinh, vậy nên rất cần sự đồng thuận và sự kiên trì vào mục tiêu đổi mới.