Đoàn do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dẫn đầu, trước buổi làm việc với UBND tỉnh, đã khảo sát thực tế Cảng cá Quy Nhơn.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Ngọc Oai ghi nhận “chuyển biến lớn” của địa phương so với lần kiểm tra trước: Cảng vệ sinh, ngăn nắp hơn; hoạt động của tổ kiểm tra, kiểm soát nghề cá quy củ hơn.
Tuy nhiên, ông Oai lưu ý: “Đầu tháng 11, đoàn EC đến Việt Nam, Bình Định chắc chắn là tỉnh được chọn. Hiện vẫn còn nhiều việc chưa xong. Chưa hoàn tất lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Kiểm soát tàu đến - tàu đi, quản lý hồ sơ, truy xuất nguồn gốc thủy sản vẫn còn thiếu sót...”.
Bình Định có 70 tàu từ 24m trở lên. Theo Giám đốc Sở NNPTNT Phan Trọng Hổ, tất cả đều đã lắp xong thiết bị Movimar. Kết quả theo dõi 3 tháng gần đây cho thấy, có 57 tàu mở máy báo cáo về Trung tâm Quan sát tàu cá (81%); 13 tàu không báo cáo (19%), trong đó 6 tàu hư hỏng thiết bị…
Đối với 2.976 tàu từ 15 – 24m, kế hoạch lắp thiết bị giám sát được xây dựng phù hợp lộ trình quy định tại Thông tư 26/2019/NĐ-CP. Cụ thể, 1.385 tàu câu cá ngừ, lưới kéo, lắp xong trước 1.1.2020; 1.591 tàu hành nghề khác lắp trước 1.4.2020.
Bình Định thừa nhận đang khó khăn trong việc ngăn chặn, xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
Năm 2018, có 22 chiếc, 175 thuyền viên bị các nước bắt giữ. Từ đầu năm 2019 đến nay, số tàu bị bắt giữ là 13 chiếc, 89 thuyền viên. Vi phạm chủ yếu thuộc nhóm tàu neo đậu các tỉnh phía Nam.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu cam kết: “Sắp tới, chúng tôi sẽ kiên quyết hơn, không ngại phạt đến 1 tỉ đồng như hướng dẫn của nghị định mới. Thời gian qua, Bình Định chủ trương làm mạnh: Phối hợp với các tỉnh bạn siết chặt quản lý, cảnh báo rút giấy phép, xóa biển đăng ký tàu vi phạm… nhưng hiệu quả thực tế chưa được như mong muốn. Một số ngư dân không phải thiếu hiểu biết mà là cố tình”.
Phát biểu kết thúc buổi làm việc, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu Tổng cục Thủy sản trong 4 tháng còn lại phải xây dựng, thực hiện cho được kế hoạch hành động tổng thể cho toàn bộ 28 tỉnh, thành phố ven biển.
“Phải có cách làm mới chứ cứ đi kiểm tra vòng quanh như thế này thì không ăn thua! Phải phối hợp với công an, biên phòng, đảm bảo xử lý hài hòa, toàn diện các mục tiêu từ khai thác tài nguyên, bảo vệ ngư dân đến đảm bảo an ninh, quốc phòng. Nên phát hành tài liệu hướng dẫn đơn giản, cụ thể, rõ ràng cho địa phương tham khảo, làm theo. Tham quan, học hỏi kinh nghiệm nước ngoài về mà chỉ… báo cáo thủ trưởng nghe thôi thì ích lợi gì" - ông Tiến nói.
Với Bình Định, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu phải đẩy mạnh tuyên truyền; củng cố, nâng cao năng lực bộ phận quản lý, thừa hành “chuyên nghiệp rồi, cần chuyên nghiệp hơn”; xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật.
“Cần rạch ròi cơ chế trách nhiệm. Tỉnh nào còn tàu cá vi phạm, tỉnh nào bị đoàn kiểm tra của EC “thổi còi”, lãnh đạo tỉnh đó chịu trách nhiệm” - ông Tiến cảnh báo.