Kết quả điều tra biến động kế hoạch dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) của Tổng cục Thống kê cho thấy, cứ 100 ca phá thai ở phụ nữ tuổi 15 - 49 thì có 62 ca mang thai ngoài ý muốn.
Những chuyện khó tin
Buổi tối ngày 2.10, một bạn tình nguyện viên của nhóm tình nguyện Chia sẻ sự sống Hà Nội đã có thông tin gây sốc rằng, có 1 cô gái sinh năm 1989, quê ở Vĩnh Phúc, lấy chồng ở Tuyên Quang đã có thai một bé gái 35 tuần tuổi. Thế nhưng, không biết vì lý do gì mà cô gái đã nhẫn tâm đi phá bỏ cái thai, và đã đặt thuốc để phá thai.
Sau khi biết tin, các bạn tình nguyện viên chuyển cô gái đến bệnh viện E. Các bác sĩ bệnh viện E khá lo lắng trước những nguy cơ cô gái đã đặt thuốc phá thai gặp phải, bác sĩ khuyên nên đưa cô gái quay lại BV Phụ sản Hà Nội do ở đó gần BV Nhi TƯ, có thể cấp cứu em bé nếu có gì bất ổn. Và ngay đêm đó, bé gái Lê Bình An (nặng 2,9kg) - cái tên do chính các bạn tình nguyện viên đặt, sinh vào lúc 23h12p. Bé An là trường hợp hy hữu được các bạn tình nguyện viên của nhóm Chia sẻ sự sống Hà Nội cứu hộ thành công từ một ca phá thai đã đặt thuốc phá thai.
“Nếu hôm ấy, không được các cô chú tình nguyện viên đưa vào bệnh viện cấp cứu kịp thời thì bé Bình An đã rơi vào tay những kẻ thất đức ở các phòng phá thai chui” - anh Lê Trung, tình nguyện viên của nhóm tình nguyện Chia sẻ sự sống Hà Nội nói.
Đó chỉ là một trong những nhiệm vụ hằng ngày của các bạn tình nguyện viên nhóm Chia sẻ sự sống. Công việc hằng ngày của các bạn tình nguyện viên này là đi lượm nhặt các thai nhi bị vứt bỏ. Có những hôm trời mưa to nhưng các TNV xác định không thể nghỉ một tối nào cả, nếu không các thai nhi sẽ bị vứt ra bãi rác hoặc thả xuống cống.
Anh Trung kể, giống như mọi ngày, 4h chiều anh nhận được điện thoại từ một phòng khám: “Có 2 ca bắt đầu làm nhé”. “Sau 3 tiếng, hơn 7h tối tôi ghé qua và nhận được 1 túi bên trong có 2 hộp giấy. 2 sinh mạng nằm gọn lỏn trong cái túi nilon... Có hôm chúng tôi thu nhận được 7 thai nhi bị họ phá bỏ, mang về chôn cất các cháu. Tôi chỉ ước con người sống bớt độc ác hơn, sống có trách nhiệm hơn” - anh Trung tâm sự.
Những câu chuyện hằng ngày mà các nhóm tình nguyện, các câu lạc bộ tình nguyện chia sẻ chỉ là phần nổi của tảng băng về tình trạng phá thai “vô tội vạ” của giới trẻ hiện nay.
Trao đổi về vấn đề này,ông Nguyễn Doãn Tú - Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ, Bộ Y tế cho biết: Phá thai không an toàn khiến phụ nữ gặp nhiều tai biến, hậu quả xấu về sức khỏe sinh sản như vô sinh (do tắc dính buồng tử cung, vòi trứng), chửa ngoài dạ con, băng huyết, sót rau, thủng tử cung, nhiễm trùng, thậm chí tử vong. Thực tế, trong những năm qua, có nhiều câu chuyện đau lòng về hệ lụy của nạo phá thai.
Có nhiều người phụ nữ vĩnh viễn mất đi khả năng làm mẹ chỉ vì “lỡ” quan hệ tình dục sớm rồi phải âm thầm đi “xử lý” giọt máu của mình ở những cơ sở phá thai “chui”. Hay cũng có bà mẹ vì lỡ kế hoạch đã giấu gia đình đi phá thai ở một cơ sở phá thai không phép, để rồi tử vong ngay trên bàn phẫu thuật vì băng huyết để lại ba đứa con thơ tội nghiệp. Và còn rất nhiều những bà mẹ khác phải mang trong mình nỗi day dứt khôn nguôi khi phải nhắm mắt bỏ đi giọt máu của mình.
Trong Hội nghị Hưởng ứng Ngày tránh thai thế giới 2018 mới đây, ông Mai Trung Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Quy mô Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam có chính sách hợp pháp về phá thai, đạt được nhiều thành tựu đáng kể nhưng tình trạng phá thai vẫn ở mức rất cao với 250.000 - 300.000 ca mỗi năm.
Thống kê từ Bệnh viện Từ Dũ, 6 tháng đầu năm 2017, bệnh viện có 14.159 ca đến bỏ thai. Trong số này, phá thai ở trẻ vị thành niên chiếm hơn 1.000 ca. Trung bình một ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 80 ca đến nạo, phá thai. Tại Bệnh viện Hùng Vương có 7.143 phụ nữ phá thai. Trung bình một ngày bệnh viện tiếp nhận từ 60 - 70 ca. Cứ 5 phụ nữ trong độ tuổi sinh sản thì có 2 người từng phá thai ít nhất một lần. Tổ chức Y tế thế giới xếp Việt Nam vào danh sách các nước có tỉ lệ phá thai cao nhất thế giới.
Nguyên nhân phá thai “vô tội vạ”
Phân tích nguyên nhân của tình trạng này, ông Mai Trung Sơn cho rằng: Nguyên nhân quan trọng khiến cho tỉ lệ phá thai còn cao là nhu cầu sử dụng biện pháp tránh thai của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ từ 15 - 49 chưa được đáp ứng đủ, nghĩa là có nhu cầu sử dụng biện pháp tránh thai mà không tiếp cận được được dịch vụ. Ông Sơn lý giải: Do số người trong độ tuổi sinh đẻ ngày càng tăng, do nhu cầu tình dục lần đầu có xu hướng trẻ hóa, tuổi phụ nữ kết hôn ngày càng cao, giai đoạn sinh hoạt tình dục kéo dài thêm.
Giải thích nguyên nhân tỉ lệ phá thai ở Việt Nam vẫn ở mức rất cao, thạc sĩ Dương Thị Hải Ngọc, đại diện Vụ Sức khỏe Trẻ em, Bộ Y tế cho biết, nguyên nhân có thai ngoài ý muốn do không áp dụng biện pháp tránh thai chiếm 55,6%, 39,5% do việc thực hiện các biện pháp tránh thai không kiên trì dẫn đến thất bại.
Tỉ lệ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại có xu hướng giảm tính từ năm 2011 - 2016. Tình trạng giới trẻ quan hệ tình dục càng ngày càng trẻ hóa và gia tăng trong khi kiến thức về sức khỏe sinh sản còn hạn chế. Các chương trình giáo dục sức khỏe sinh sản, giới tính trong nhà trường không đủ cung cấp thông tin một cách toàn diện.