Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong vừa yêu cầu Sở Tài nguyên – Môi trường chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất (đơn vị thuộc sở) phải chấm dứt, không gia hạn hợp đồng cho thuê đối với các đơn vị đang sử dụng mặt bằng tại công viên 23/9 (quận 1).
Đối với các đơn vị đang sử dụng mặt bằng tại công viên nhưng hợp đồng không ghi rõ thời gian hoàn trả phải di dời trước ngày 30.4.2019.
Sở Tài nguyên - Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải và các liên quan liên kế hoạch di dời từng công trình, trụ sở, quán ăn, bãi xe... trong công viên này.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc sớm hoàn thành quy hoạch chi tiết 1/500 khu vực công viên 23/9 trước quý 3 năm 2018.
Mặt bằng công viên 23/9 đang có nhiều đơn vị quản lý và khai thác, dẫn đến việc quản lý chồng chéo, manh mún và thiếu kiểm soát trong công tác xây dựng, khai thác.
Đặc biệt, khu B Công viên 23/9 bị “xẻ thịt” rất nhiều với nhiều hạng mục kiên cố và không liên quan gì đến công viên như nhà hàng, quán cà phê và quán nhậu.
Nổi bật nhất là sân khấu Sen Hồng nhưng lại có cả quán cà phê GM bên trong tận dụng hết khoảng trống của khu đất để tối đa hóa lợi nhuận.
Kế đến, phía trên trung tâm thương mại dưới lòng đất cũng được khai thác triệt để với nhiều nhà hàng ngoài trời phục vụ khách đến tận khuya, như: Yolo Pub & Cafe, Route99 Saigon, BFF Zone và Kingdom Beer Garden.
Khu B còn thường xuyên tổ chức các hội chợ ngoài trời. Hiện có phiên chợ Saigon Central Market. Với những hoạt động không liên quan gì đến công viên như vậy, người dân khó nghỉ ngơi hay đi dạo một cách thảnh thơi ở gần các địa điểm này.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 9 HĐND TPHCM Khóa IX, Giám đốc Sở GTVT TPHCM Bùi Xuân Cường, khu B công viên 23/9 rộng hơn 50.700m2 thì các công trình khai thác tới 40% diện tích.
“Do thành phố chưa có quy hoạch tổng thể công viên nên dẫn đến việc khai thác sai mục đích. Các quy hoạch trước đây không còn giá trị pháp lý hoặc không còn phù hợp” – ông Cường nói nguyên nhân công viên bị “xẻ thịt”.
Theo ông Cường, hồi tháng 4, Sở GTVT đã trình thành phố đề án quy hoạch chỉnh trang, nâng cấp công viên. Theo đó, sẽ chia thành hai nhóm, nhóm 13 công viên có diện tích lớn hiện hữu do Sở GTVT quản lý và 317 công viên do quận, huyện quản lý.
“Trước thực trạng như hiện nay thì giải pháp trước mắt là phải rà soát lại toàn bộ quy hoạch công viên cây xanh trên địa bàn thành phố và lập mới hoàn toàn. Có quy hoạch thì mới quản lý dài lâu được” - ông Cường cho hay.