Thêm nhiều dự án “giải cứu” kẹt xe cửa ngõ
Để giải quyết tình trạng ùn tắc ở cửa ngõ phía Nam, năm 2016, HĐND TPHCM đã thông qua chủ trương xây cầu, đường Nguyễn Khoái bắc qua kênh Tẻ, nối Quận 7, 4 và 1. Công trình có tổng mức đầu tư 1.250 tỉ đồng (về sau tăng lên hơn 2.800 tỉ đồng do điều chỉnh quy mô) nhằm mở trục đường mới ra vào khu trung tâm, giảm tải cho cầu kênh Tẻ. Tuy nhiên, sau 7 năm, dự án vẫn còn trên giấy.
Theo Sở GTVT TPHCM, hiện tổng mức đầu tư dự án cầu đường Nguyễn Khoái đã tăng lên hơn 3.700 tỉ đồng (chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng là hơn 1.264 tỉ đồng). Nếu dự án được thông qua, trong năm 2024 sẽ khởi công. Năm 2025 hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án, bàn giao toàn bộ mặt bằng thi công. Năm 2026 - 2027 tổ chức thi công hoàn thành toàn bộ công trình đưa vào khai thác.
Ở cửa ngõ phía Đông, dự án đường Vành đai 2 (đoạn 2 - từ đường Võ Nguyên Giáp đến Phạm Văn Đồng, thuộc TP Thủ Đức) dài khoảng 2,75km với tổng mức đầu tư khoảng 4.543 tỉ đồng. Dự án sẽ đầu tư đường song hành hai bên, mỗi đường rộng 16,5m, đáp ứng 3 làn xe, để trống ở giữa 34m (đất dự phòng để mở rộng đường sau này).
Đồng thời, xây dựng 2 nhánh cầu Rạch Ngang, xây dựng nút giao 3 tầng tại giao lộ Phạm Văn Đồng - Vành đai 2. Đoạn đường này khi hoàn thành sẽ góp phần khép kín Vành đai 2 TPHCM dài 60km.
Ngoài đoạn Vành đai 2, cũng tại khu Đông TPHCM, hai dự án quan trọng khác là nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Thị Định (đoạn từ cầu Giồng Ông Tố đến cầu Mỹ Thủy) với tổng mức đầu tư hơn 2.075 tỉ đồng và dự án mở rộng đường Đỗ Xuân Hợp tổng vốn hơn 868 tỉ đồng.
Ở phía Tây TPHCM, dự án nâng cấp, mở rộng đường Vĩnh Lộc (Hương lộ 80, từ Tỉnh lộ 10 đến đến ranh huyện Hóc Môn) có tổng mức đầu tư 4.344 tỉ đồng...
Trước đó, tại kỳ họp chuyên đề tháng 9.2023, HĐND TPHCM đã thông qua chủ trương đầu tư 5 dự án mở rộng quốc lộ 1, 13, 22, trục Bắc - Nam cùng xây cầu - đường Bình Tiên với tổng kinh phí hơn 40.000 tỉ đồng theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).
Đồng thời chi hơn 9.300 tỉ đồng làm 3,5km đường Vành đai 2 (đoạn 1 - từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp); thời gian thực hiện dự kiến từ năm 2023 đến 2027.
Như vậy, từ 3 - 5 năm tới, TPHCM giống như một đại công trường bởi đồng loạt triển khai thi công hàng chục dự án giao thông nghìn tỉ.
Mở giao thương, đột phá kinh tế
Trao đổi với Lao Động, TS. Võ Kim Cương - nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM, đánh giá tất cả dự án “mở” cửa ngõ TPHCM đều đã được quy hoạch và triển khai từ cách đây rất nhiều năm. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, TPHCM chỉ loay hoay giải bài toán giao thông nội đô, mở rộng, xây mới các mạng đường đô thị. Hiện ngành giao thông TPHCM tập trung khơi thông các cửa ngõ, tăng tốc các dự án kết nối liên vùng, còn phía trong nội đô thì sắp xếp, điều chỉnh lại cơ cấu phương tiện, đẩy thật mạnh giao thông công cộng.
Theo TS. Võ Kim Cương là rất hợp lý. TPHCM có lợi thế nhiều cửa ngõ kết nối về nhiều phía để tụ hợp nguồn lực. Hàng hóa, nguồn lực từ khắp các nơi có thể lưu chuyển đi - về với TPHCM đều thông qua các cửa ngõ. Điều này khiến TPHCM được coi là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
KTS Ngô Viết Nam Sơn - chuyên về quy hoạch đô thị cho rằng, các dự án xây mới, cầu đường trong tương lai cần được tính toán, không nên tách rời, phải là một thành phần của kế hoạch phát triển giao thông công cộng. Cụ thể, ngay lập tức khi làm thêm một con đường, mở thêm cầu mới phải bố trí ưu tiên, đưa giao thông công cộng, đưa xe buýt vào ngay, khi lượng phương tiện cá nhân chưa kịp đầy lên. Nếu không phát triển song song, cầu mới, đường mới sẽ chỉ có tác dụng trong thời gian đầu, kẹt xe sẽ nhanh chóng quay trở lại.