Tiến độ giải ngân đạt 55%
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), tổng kế hoạch đầu tư vốn Ngân sách Nhà nước năm 2022 là 580.261,2 tỉ đồng (bao gồm 38.155,353 tỉ đồng từ nguồn vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội).
Kế hoạch vốn Ngân sách Nhà nước năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ giao là 580.046,8 tỉ đồng, số vốn chưa được giao là 214,4 tỉ đồng (vốn nước ngoài).
Đến ngày 28.10, tổng số vốn Ngân sách Nhà nước các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã giao kế hoạch chi tiết là 549.081,6 tỉ đồng, đạt 94,7% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.
Tuy nhiên, số vốn Ngân sách Nhà nước còn lại chưa phân bổ là 30.965,2 tỉ đồng (bằng 5,3% kế hoạch; chủ yếu là vốn cân đối ngân sách địa phương (5/63 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch).
Theo Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Quốc Phương, đến ngày 31.10.2022, giải ngân của cả nước ước đạt khoảng 298 nghìn tỉ đồng, nhiều hơn khoảng 40,3 nghìn tỉ đồng so với năm 2021. Điều đáng nói là có 38 nghìn tỉ đồng giao bổ sung dự toán năm 2022 vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua và Thủ tướng cũng đã giao trong đầu tháng 10 vừa qua đòi hỏi công tác giải ngân trong thời gian tới phải triển khai quyết liệt vì thời gian còn lại không nhiều (2 tháng năm 2022, cộng thêm 1 tháng giải ngân chuẩn bị quyết toán thì còn khoảng 3 tháng để thúc đẩy giải ngân).
Khánh Hòa cũng là một trong những tỉnh có tiến độ giải ngân khá. Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, năm 2022, UBND tỉnh đã phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công được hơn 3.600 tỉ đồng, số vốn chưa phân bổ đề nghị điều chuyển về ngân sách Trung ương gần 171,5 tỉ đồng do không còn nhu cầu sử dụng.
Đến hết quý 3.2022, tỉ lệ giải ngân vốn ĐTC trên địa bàn tỉnh đạt 48,2% so với kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 50,4% so với kế hoạch vốn được UBND tỉnh giao thực tế. Đến ngày 30.10.2022, tỉ lệ giải ngân tạm tính ước đạt hơn 56%.
Cần chuẩn bị trước các thủ tục hành chính để giải ngân vốn đầu tư công
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn Ngân sách Nhà nước (NSNN) từ đầu năm đến ngày 31.10.2022 đạt 51,34% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (nếu không tính 38.155,3 tỉ đồng từ nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội (KTXH), ước tỉ lệ giải ngân đến hết 31.10 đạt 54,95% kế hoạch được giao), thấp hơn cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt 55,8%). Tuy nhiên, số tuyệt đối giải ngân năm 2022 cao hơn cùng kỳ năm 2021 là 40.387 tỉ đồng, tăng khoảng 16%.
Có 3 cơ quan Trung ương và 10 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt trên 80% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; 10 bộ, cơ quan Trung ương có tỉ lệ giải ngân dưới 25% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Bộ Tài chính nhấn mạnh: Có 11 bộ và 25 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt trên 55%.
Một số bộ, địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt cao gồm: Thanh tra Chính phủ: 100%, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam: 100%, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: 99,47%, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: 74,79%, Ngân hàng nhà nước (68,62%), Hội nhà báo Việt Nam: (72,45%), Bình Định: 79,6%, Tiền Giang: 76,4%, Đồng Tháp: 75,2%.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương thông tin, Bộ KHĐT cũng báo cáo với Chính phủ kiến nghị mấy nhóm giải pháp để tích cực hơn, thực hiện quyết liệt hơn trong những tháng cuối năm. Hy vọng có thể đạt được con số giải ngân cao vào thời điểm 31.1.2023.
Theo đó, các bộ ngành, địa phương phải chuẩn bị trước các thủ tục hành chính để giải ngân vốn ĐTC, tránh tình trạng dồn dập tập trung vào một thời điểm khiến sự phục vụ của hệ thống kho bạc và hệ thống hành chính dễ bị “nghẽn” do quá tải, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.
Được biết, dự kiến đến hết năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo cam kết giải ngân 57,88%, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội: 74%, Bộ Thông tin và Truyền thông: 89,15%, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam: 14,91%, Đại học Quốc gia TPHCM: 40%…
* Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thủ trưởng các bộ, cơ quan Trung ương và các cấp chính quyền địa phương phải coi việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư theo kế hoạch đã được giao là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 124/NQ-CP, Chỉ thị số 19/CT-TTg, không trả lại kế hoạch đầu tư vốn Ngân sách Trung ương năm 2022, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
* Theo đánh giá của Bộ KHĐT, tiến độ giải ngân vốn ĐTC tháng 10 tiếp tục có chuyển biến, cho thấy các giải pháp thúc đẩy giải ngân đã và đang phát huy hiệu quả, phản ánh đúng xu hướng giải ngân tăng dần vào cuối năm; tiến độ giải ngân tháng 10 đạt 44.626 tỉ đồng, tăng 1,5 lần so với mức trung bình giải ngân bình quân 9 tháng khoảng 28.127 tỉ đồng/tháng.
* Chuẩn bị bước vào năm 2023, kế hoạch ngân sách và ĐTC đã trình ra Quốc hội với lượng vốn năm 2023 là rất lớn, cao hơn năm 2022 hơn 100 nghìn tỉ đồng. Do đó, áp lực giải ngân của năm 2023 rất lớn. Vì vậy, cần công tác chuẩn bị từ sớm, từ xa, để làm sao bước sang năm 2023 có thể triển khai thực hiện được ngay.