Ngày 1.8, trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Phạm Văn Binh - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai - cho biết, điện mặt trời mái nhà có sự sai sót từ chính sách và hiện nay rất khó để quy trách nhiệm cho các sở, ngành và địa phương có liên quan.
Theo ông Binh thì việc khắc phục, xử lý các sai phạm cũng đều khó, vì hầu hết các doanh nghiệp đều đã hợp đồng bán điện, đấu nối với hệ thống của Điện lực Gia Lai.
Hàng loạt công trình điện mặt trời mái nhà ở Gia Lai có nhiều sai phạm, tùy theo từng ngành quản lý mà quy trách nhiệm khác nhau. Cụ thể như, tiêu chí trang trại, cây trồng, sản phẩm... dưới công trình điện thì trách nhiệm quản lý nhà nước của Sở Nông nghiệp và PTTN.
Về mặt kết cấu công trình xây dựng thuộc về sự quản lý, giám sát của Sở Xây dựng. Về công tác đấu nối lên hệ thống truyền tải điện, kiểm định chất lượng an toàn, hiệu quả thì thuộc thẩm quyền của Điện lực Gia Lai. Vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng đất, quản lý tài nguyên đất đai thì thuộc về thẩm quyền và trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường...
Chính quyền huyện, xã, nơi có dự án thi công cũng có phần trách nhiệm trong việc nắm bắt thông tin, giám sát tình hình dự án của doanh nghiệp. Mặc dù chỉ ra nhiều sai phạm tại hàng loạt dự án điện mặt trời ở Gia Lai nhưng đến nay thì vẫn chưa có cơ quan chức năng, cá nhân, đơn vị nào bị xử lý, kiểm điểm.
“Về phương hướng khắc phục tồn tại, có thể buộc doanh nghiệp vi phạm thanh lý hợp đồng. Nhưng theo Điện lực Gia Lai thì đơn vị chỉ kiểm định tính hiệu quả, an toàn của dự án, đảm bảo mới cho đấu nối, hợp đồng bán điện ra thị trường, còn các tiêu chí khác không thuộc thẩm quyền nên cũng khó để buộc thanh lý hợp đồng”, ông Binh cho hay.
Phía Sở NNPTNT tỉnh Gia Lai đã yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố báo cáo trung thực về tình hình các dự án điện mặt trời, bởi sau khi đoàn liên ngành kiểm tra thì không đúng như cấp dưới báo lên.
Liên quan đến công tác kết cấu của dự án điện mặt trời mái nhà thì Sở Xây dựng có trách nhiệm thẩm định, phê duyệt hồ sơ và nghiệm thu hoàn công dự án điện hay không. Bởi hầu hết các kết cấu công trình đều không đúng quy chuẩn, quy định về chiều cao và chưa đúng về các vật liệu thi công công trình.
Nguồn pin mặt trời, các doanh nghiệp mua từ bên ngoài thị trường với giá cả đa dạng, chưa rõ nguồn gốc xuất xứ. Tuy vậy, một số chủ doanh nghiệp vẫn tìm cách dùng hồ sơ chưa đúng để làm thủ tục vay vốn ngân hàng trong lĩnh vực đầu tư xây dựng.
Liên quan đến vụ việc, ông Đỗ Tiến Đông - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Gia Lai đã gửi văn bản yêu cầu các sở, ngành báo cáo kết quả kiểm tra và đề xuất hướng xử lý, khắc phục những tồn tại của điện mặt trời. Đồng thời, nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc khắc phục các vi phạm. Tuy nhiên do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên việc kiểm tra, xử lý còn chậm trễ.
Như Báo Lao Động đã đưa tin, đoàn kiểm tra liên ngành gồm: Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở NNPTNT, UBND các huyện, thị xã… tổ chức đi kiểm tra hơn 400 dự án điện mặt trời mái nhà trên địa bàn, phát hiện có nhiều vi phạm.
Có 302/431 (gần 3/4) công trình điện mặt trời mái nhà trên các công trình nông nghiệp chưa triển khai có hoạt động kinh tế trang trại. Nhiều hồ sơ chất lượng chưa đảm bảo, kết cấu công trình yếu… Các dự án được nghiệm thu, đấu nối để hợp đồng bán điện ra thị trường, theo mạng lưới điện của Điện lực Gia Lai.