Đồng thời, đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục tăng cường hướng dẫn cụ thể, chi tiết để có hành lang pháp lý thực hiện và xử lý đối với các trường hợp thực hiện không đúng.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Ninh Bình, hiện nay, tại một số di tích đồng thời là cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng và di tích thuộc nhà thờ của các dòng họ việc quản lý tiền công đức do người quản lý, sư trụ trì tiếp quản, do vậy số liệu báo cáo tiền công đức chưa đầy đủ, chưa có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý và người dân.
Bên cạnh đó, công tác quản lý tiền công đức còn nhiều khó khăn, một số di tích chưa có báo cáo đầy đủ số thu - chi hàng năm, nhiều di tích chưa mở được tài khoản tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng để theo dõi, quản lý.
Tại một số di tích có báo cáo thu - chi nhưng chỉ là tiền trong hòm công đức, các khoản công đức khác dưới hình thức đặt lễ chưa được phản ánh.
Đối với một số di tích nằm trong danh mục liệt kê của địa phương nhưng khi có văn bản đề nghị báo cáo thu chi tiền công đức, tài trợ như các cơ sở tôn giáo là chùa cho rằng không nhận được thông tin từ Giáo hội phật giáo hoặc cơ sở tín ngưỡng như các nhà thờ họ cho rằng không phải là di tích, không nhận được tiền hỗ trợ của Nhà nước mà con cháu dòng họ tự đóng góp, không phải là tiền công đức nên đã không báo cáo.
Ngoài ra, những di tích có người đại diện đứng ra chịu trách nhiệm trước pháp luật và các hoạt động diễn ra tại di tích nhưng do cao tuổi nên khó khăn cho việc theo dõi, quản lý thu, chi của di tích.
Đối với những di tích có diện tích quá nhỏ, chỉ có bát hương và người dân xung quanh quét dọn, thắp hương chứ không diễn ra các hoạt động tín ngưỡng nên UBND các xã, phường không thành lập Ban quản lý như: miếu Thần linh phố Mía (phường Ninh Khánh, thành phố Ninh Bình; chùa Kho (thông Bình Khê, xã Ninh Nhất, thành phố Ninh Bình).
Nguồn nhân lực để quản lý di tích các cấp còn thiếu và chưa có chuyên môn, chuyên ngành do đó thiếu kinh nghiệm, chưa tương xứng với yêu cầu thực tiễn.
Người quản lý di tích chưa được qua bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Nhận thức về công tác quản lý tiền công đức, tài trợ chưa đầy đủ, hầu hết tuổi đã cao, sức khỏe có nhiều hạn chế. Có những di tích gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm người quản lý, bảo vệ...
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có nhiều di tích không phát sinh tiền công đức, tài trợ hoặc có nhưng rất nhỏ nên không đảm bảo chi cho hoạt động quản lý, tu bổ di tích và tổ chức các hoạt động lễ hội để thu hút người dân và du khách.
Trước thực trạng trên, trong thời gian tới, UBND tỉnh Ninh Bình tiếp tục giao cho UBND cấp huyện, thành phố định kỳ tổ chức kiểm tra việc quản lý, sử dụng tiền công đức tại các cơ sở di tích lịch sử, văn hóa, nhất là những di tích chưa thực hiện việc báo cáo theo quy định.
UBND tỉnh Ninh Bình cũng đề nghị Bộ Tài chính có hướng dẫn cụ thể, chi tiết về vấn đề quản lý tiền công đức, tiền tài trợ tại các di tích để có hành lang pháp lý thực hiện và có chế tài xử lý đối với các trường hợp không thực hiện đúng quy định.