Bộ trưởng Giao thông Vận tải Mỹ Pete Buttigieg cho biết, việc sử dụng thuật ngữ Autopilot như một tính năng của xe điện trái ngược với yêu cầu của chính Tesla đối với người lái xe là phải giữ cả hai tay trên vô-lăng.
Ngoài ra, Cơ quan Quản lý An toàn Giao thông Đường cao tốc Quốc gia Mỹ (NHTSA - trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải Mỹ) đã mở các cuộc điều tra về nguy cơ tiềm ẩn của Autopilot trong các vụ va chạm với các phương tiện khác cũng như các sự cố phanh đột ngột.
“Tôi sẽ không gọi thứ gì đó là "Lái tự động" nếu sách hướng dẫn nói rõ ràng rằng bạn phải đặt tay lên vô lăng và luôn chú ý đến đường đi” - Buttigieg nói trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg News ở Washington (Mỹ). “Điều đó không nói lên bất cứ điều gì về phạm vi điều tra của NHTSA, tôi chỉ nói ở mức độ thông thường. Tôi nghĩ đó là một vấn đề đáng quan tâm”.
Trong khi người đứng đầu Bộ Giao thông Vận tải Mỹ không yêu cầu cơ quan quản lý đối với các quy ước đặt tên, thì một bộ phận khác của chính phủ Mỹ lại hành động - Bộ Tư pháp. Các công tố viên đang xem xét liệu Tesla có đưa ra những tuyên bố sai lệch về khả năng của Autopilot hay không - Bloomberg đưa tin vào tháng 10 năm ngoái.
Ngoài việc cung cấp Autopilot làm tiêu chuẩn trên các mẫu xe Tesla mới, hãng còn tiếp thị một hệ thống hỗ trợ người lái cho đường phố mà họ gọi là “Full Self-Driving”. Hệ thống này cũng yêu cầu người lái hoàn toàn chú ý và đặt tay lên vô lăng. Tesla đã bắt đầu thu hồi các mẫu xe vào tháng trước sau khi cơ quan quản lý cho biết hệ thống Beta tự lái hoàn toàn của họ “có thể làm phương tiện hoạt động không an toàn quanh các giao lộ”, bao gồm cả việc vượt qua đèn vàng.
NHTSA đã mở một cuộc điều tra về các lỗi có thể xảy ra với chế độ lái tự động vào tháng 8.2021 và một cuộc điều tra tiếp theo về vấn đề vào tháng 2.2022. Cơ quan này cũng đang đánh giá các phương pháp của Tesla về chế độ lái tự động. Trang web của Tesla cho biết, “các tính năng Autopilot hiện tại yêu cầu sự giám sát tích cực của người lái xe và không làm cho chiếc xe trở nên tự động”.