Lạm thu đầu năm học: Vì sao nhiều phụ huynh đành im lặng?

Bạn đọc Minh Vân |

Báo Lao Động vừa nhận được bài viết của bạn đọc Minh Vân (thành phố Hồ Chí Minh) về vấn đề lạm thu đầu năm học mới thông qua Ban đại diện cha mẹ học sinh. Báo Lao Động đăng tải bài viết này để gửi tới bạn đọc.

Tôi có con đang theo học trường tiểu học ở quận 5. Ngay từ đầu năm, tôi đã được mời vào nhóm Zalo phụ huynh của lớp với ba người trong ban đại diện đã được chỉ định sẵn. Nhóm đã thảo luận rất sôi nổi về những khoản tiền mà phụ huynh sẽ phải nộp đầu năm như tiền lắp điều hòa, tiền điện, tiền máy chiếu, rèm cửa...

Cuối cùng, ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp thống nhất số tiền phải nộp là hơn 2 triệu đồng/học sinh. Ngoài tiền giấy thi, sổ liên lạc, phù hiệu, hình chụp, nước uống, bảo hiểm, tiền học tin học, còn có các khoản tiền “thu theo đồng thuận của cha mẹ học sinh” là hội phí trường (200.000 đồng/học kỳ), hội phí lớp (200.000 đồng/học kỳ), vệ sinh phí (25.000 đồng/học kỳ) và hội khuyến học (50.000 đồng/học kỳ).

Cá nhân tôi dù hơi băn khoăn nhưng quan sát thấy hầu hết phụ huynh đều đồng ý với khoản tiền mà Ban đại diện dự định thu, nên đành im lặng. Nhiều phụ huynh có gia cảnh không mấy khá giả, rất khó khăn khi đóng số tiền khá lớn so với thu nhập của họ, nhưng vì “tâm lý số đông” cũng đành hưởng ứng. Dù vài người trong nhóm có thắc mắc một số khoản như mua sắm máy móc, trang thiết bị, đã được Bộ, Sở quy định không được phép thu, tuy nhiên do muốn con mình được học yên ổn, không khác biệt so với phần còn lại nên đại đa số phụ huynh đều đồng ý nộp tiền.

Thiết nghĩ, các kinh phí vận động cho công trình cha mẹ học sinh, xét về lý thuyết, cần được thực hiện trên tinh thần tự nguyện. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều bậc phụ huynh vẫn hết sức tâm tư, không hài lòng, thậm chí là bức xúc vì kinh phí góp vào quỹ được ban đại diện cha mẹ học sinh chi được sử dụng vào những mục đích không cần thiết, không mang lại hiệu quả học tập cho con em mình, kể cả những khoản chi thuộc về trách nhiệm của nhà trường, không phải của phụ huynh.

Bản thân tôi nhận thấy hầu hết các khoản thu do nhà trường tự đặt ra (không nằm trong quy định) đều nhằm mục đích để mua sắm, tu bổ cơ sở vật chất, chăm lo cho học sinh nghèo, học sinh giỏi... nên cũng rất đồng cảm với ban giám hiệu các trường. Cũng bởi, dù ngân sách nhà nước eo hẹp nhưng ban giám hiệu nhà trường phải thực hiện nhiệm vụ nâng cao chất lượng giáo dục.

Tuy nhiên, việc họ tiến hành xã hội hóa bằng cách “đổ đồng”, tận thu của cả những phụ huynh không thật sự khá giả hẳn sẽ gây bức xúc cho cộng đồng. Đáng lưu tâm là khi có phản ánh của phụ huynh, ban giám hiệu nhà trường đều đổ lỗi “do ban đại diện cha mẹ học sinh vận động, hoàn toàn tự nguyện chứ không bắt buộc”. Dù mang danh nghĩa là không bắt buộc nhưng khi nhà trường gửi thông báo đóng tiền cho phụ huynh lại ghi cả khoản “vận động” vào thì hầu như phụ huynh nào cũng phải đóng.

Cá nhân tôi cho rằng đã đến lúc chúng ta nên suy ngẫm về trách nhiệm và nghĩa vụ của Ban đại diện cha mẹ học sinh. Vốn dĩ xuất phát điểm của ban đại diện cha mẹ học sinh là tốt, khi thực hiện nhiệm vụ làm cầu nối giữa gia đình nhà trường, hỗ trợ cho công tác giáo dục học sinh.

Tuy nhiên, hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh ở nhiều trường hiện nay đang bị biến tướng. Ban phụ huynh thường kêu gọi các khoản thu, rồi hợp thức hóa bằng cách yêu cầu phụ huynh viết những bản cam kết tự nguyện, mặc kệ họ có đồng thuận hay không. Tuy nhiên, công việc thực sự của họ là đại diện cho tiếng nói phụ huynh, cũng như làm công tác phối hợp, hỗ trợ nhà trường giáo dục học sinh… thì thật sự chưa được quan tâm đúng mức.

Thiết nghĩ, nếu thấy các khoản tiền không hợp lý, thậm chí sai phạm, phụ huynh cần trao đổi ngay trong cuộc họp để nhà trường nhìn nhận và chỉnh sửa. Về phía nhà trường cũng không nên cố tình chuyển hóa những buổi họp phụ huynh vốn mang ý nghĩa trao đổi về việc giáo dục học sinh thành nơi thu tiền, phục vụ cho nhiều chính sách riêng. Tất cả những khoản thu cần được công khai trên trang web của nhà trường để các phụ huynh tham khảo, có ý kiến từ trước.

Bạn đọc có thể bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề này qua email của Báo Lao Động: toasoan@laodong.com.vn

Bạn đọc Minh Vân
TIN LIÊN QUAN

Chấn chỉnh lạm thu đầu năm học: Vỏ bọc “công trình phụ huynh”

Bạn đọc Thiên An |

Vào đầu năm học, không ít trường học lạm thu nhiều khoản không nằm trong quy định dưới danh nghĩa “tự nguyện” hoặc “xã hội hóa giáo dục”.

Phụ huynh chóng mặt với các khoản phí đầu năm học

Minh Ánh |

Mặc dù chưa bắt đầu năm học mới, nhưng chị Quyền chóng mặt với các khoản chi phí đầu năm học cho 3 đứa con.

Trẻ lớp 1 đi học: Phụ huynh lo lắng, giáo viên bận rộn rèn vào nếp

Linh Chi - Minh Hà |

Trong những ngày đầu tiên học sinh quay trở lại, các giáo viên lớp 1 cũng gặp nhiều khó khăn trong việc rèn các con theo nề nếp khi đi học. Mặc dù vậy, các cô vẫn luôn có những cách riêng để học sinh có hứng thú khi tới trường.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình nhận thêm nhiệm vụ

PHẠM ĐÔNG |

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình được phân công là Tổ trưởng Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ.

Cập nhật giá vàng sáng 18.9: Chịu áp lực chốt lời

Khương Duy |

Cập nhật giá vàng sáng 18.9: Kim loại quý trên thị trường thế giới đã vấp phải áp lực chốt lời khi tăng lên ngưỡng kỷ lục.

Kane ghi 4 bàn, Bayern Munich thắng Dinamo Zagreb 9-2

tam nguyên |

Harry Kane và Bayern Munich sớm tạo nên “cơn bão” để thách thức các đối thủ tại Champions League 2024-2025.

Còn hơn 70.000 khách hàng các tỉnh phía Bắc mất điện

Anh Tuấn |

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, đến cuối ngày 17.9 đã khôi phục cung cấp điện cho hơn 6,03 triệu khách hàng, tương đương 99%.

Hòa Minzy muốn nhận nuôi em bé mất 5 người thân ở Làng Nủ

Huyền Chi |

Hòa Minzy cho biết, cô có mong muốn nhận nuôi bé gái 6 tuổi đã mất 5 người thân sau trận lũ quét ở Làng Nủ.