Sau những bài viết về cán bộ dân số, cán bộ truyền thông, lái xe… tại các cơ sở y tế không được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề 100% do không thuộc đối tượng áp dụng của Nghị định số 05/2023/NĐ-CP, phóng viên Báo Lao Động tiếp tục nhận được phản ánh của nhiều trường hợp rơi vào cảnh thương tự.
Họ đều tâm sự rằng, có sự tủi thân, buồn khi cùng trực tiếp đi chống dịch COVID-19, cùng đi truy vết, xét nghiệm…, đối mặt với những nguy hiểm của dịch bệnh, nhưng họ lại không được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề 100% như những đối tượng theo quy định của Nghị định số 05/2023/NĐ-CP.
Anh Nguyễn Chí Huấn - Trưởng khoa Truyền thông sức khoẻ (CDC Hà Giang) chia sẻ, không chỉ anh mà các nhân viên khác của phòng (gồm 9 người) đều cảm thấy tủi thân khi không được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề 100%.
“Cùng là cán bộ y tế, nhưng chúng tôi chỉ được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề 30% theo Nghị định 56/2011/NĐ-CP. Chúng tôi cũng đi trực tiếp, hỗ trợ chống dịch từ đầu năm 2020 đến cuối năm 2023, nhưng lại không được hưởng mức ưu đãi theo nghề 100% theo Nghị định 05/2023/NĐ-CP” – anh Huấn nêu.
Theo cán bộ truyền thông này, dù không được hưởng ưu đãi theo nghề 100%, anh vẫn cố gắng làm tốt nhiệm vụ của mình, nhưng nếu có được khoản hỗ trợ trên thì sẽ động viên về mặt tinh thần rất nhiều cho những những người như anh sau thời gian dài không quản khó khăn, vất vả đi chống dịch.
Sinh năm 1973, có gần 29 năm công tác trong ngành, anh Huấn có tổng thu nhập khoảng 8-9 triệu đồng/tháng. Thu nhập của anh gồm lương cơ sở nhân với hệ số lương 4,32, cộng với phụ cấp ưu đãi nghề 30%, phụ cấp quản lý 0,5.
“Tôi được biết ngày 1.7 sẽ tăng lương cơ sở, đồng nghĩa với lương của viên chức như tôi sẽ tăng. Tuy chưa tính cụ thể xem được tăng bao nhiêu, nhưng đối với những người trông chờ vào lương như tôi, tăng 1 đồng cũng là đáng quý. Tuy nhiên, tôi không thấy vui lắm, bởi đây là mức tăng chung. Trong khi đó về vấn đề ưu đãi theo nghề tôi thấy chưa công bằng đối với các đối tượng đáng được hưởng” – anh Huấn bày tỏ.
Cũng có tâm tạng chung giống anh Huấn là anh Nguyễn Mạnh Tuấn - Trưởng phòng Dân số và Truyền thông (Trung tâm Y tế huyện Yên Thế), tỉnh Bắc Giang.
“Tăng lương cơ sở vẫn không làm tôi hết buồn vì vấn đề ưu đãi theo nghề vẫn chưa được giải quyết. Tôi thấy đây là một điều bất hợp lý khi đây là hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch COVID-19, nhưng những người trực tiếp đi chống dịch như chúng tôi lại không được hưởng mức 100%” – anh Tuấn bày tỏ.
Có 28 năm trong nghề, tổng thu nhập của anh Tuấn ở mức 9,4 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập này, anh phải chi tiêu tiết kiệm, trang trải chi phí sinh hoạt của gia đình.
Một cán bộ truyền thông tại cơ sở y tế của Thái Bình cho rằng, tăng lương cơ sở sẽ cải thiện thu nhập, nhưng điều quan trọng là phải kiểm soát giá cả tốt, tránh tình trạng lương chưa tăng, giá cả đã rục rịch tăng…