Ngày 15.5, Bác sĩ Phạm Minh An, khoa Hồi sức Tích cực Chống độc, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết nam du khách Nguyễn M. Q., 28 tuổi, trú tại Hà Nội bị đuối nước đã hồi tỉnh, trò chuyện và thực hiện các yêu cầu của nhân viên y tế. Bệnh nhân đang được tập phục hồi chức năng để có thể sớm đi lại trở lại.
Trước đó, ngày 8.5, Q. cùng bạn bè xuống tắm biển trong khu vực một resort thuộc quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng thì 3 người bị nước cuốn trôi.
2 người bạn của Q. được người dân ứng cứu kịp thời nên chỉ bị choáng nhẹ, riêng Q. bị chìm trong nước khoảng 3 phút mới được đưa lên bờ.
Ngay sau đó, những người có mặt tại hiện trường đã sơ cấp cứu, ép tim để khôi phục lại mạch, huyết áp và tuần hoàn cho nạn nhân và nhanh chóng chuyển đến cơ sở y tế.
Bác sĩ An cho biết: “Sau khi nhận bệnh, qua thông tin của người thân và tính toán thời gian nạn nhân ngưng thở, được cấp cứu, chúng tôi đã quyết định thực hiện phương pháp hạ thân nhiệt chỉ huy để bảo vệ não tối đa cho người bệnh".
Với phương pháp này, thân nhiệt của người bệnh sẽ được giảm xuống 33 độ trong 24 giờ để hạn chế các hoạt động của cơ thể, đồng thời giảm được các khả năng phù não, viêm não do thiếu oxi.
Sau 3 ngày, người bệnh được tăng dần nhiệt độ để đánh thức sau thời gian “ngủ đông”. Tính đến thời điểm này, anh Q. đang phục hồi tốt, các y bác sĩ vẫn đang theo dõi để có đánh giá toàn diện hơn.
Phương pháp hạ thân nhiệt chỉ huy đã mang lại cơ hội sống cho nhiều trường hợp bị ngưng tuần hoàn. Bởi nếu trước đây, các nạn nhân bị ngưng tuần hoàn dù là bất kì lý do gì thì não vẫn bị tổn thương ít nhiều. Bệnh nhân hồi phục cũng bị những di chứng như mất trí nhớ, bị liệt, thậm chí là sống thực vật.