F0 lo lắng vì không được tư vấn, hỗ trợ
Mới đây, Bộ Y tế cho phép Hà Nội xác định F0 khi có kết quả test nhanh kháng nguyên dương tính, thay vì xét nghiệm PCR mang giá trị khẳng định. Theo đó, test nhanh do Bộ Y tế cấp phép và do nhân viên y tế thực hiện hoặc người nghi nhiễm thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế.
Ngay khi test nhanh có kết quả dương tính, địa phương phải lập tức triển khai điều tra, khoanh vùng, truy vết. Bên cạnh đó, khi test nhanh phát hiện dương tính, bệnh nhân nào có triệu chứng phải được chuyển đi điều trị ngay, chưa có triệu chứng thì tạm thời đưa đến khu cách ly.
Tuy nhiên, việc này chưa thật sự được áp dụng hiệu quả tại cơ sở, bởi trong thời gian qua, nhiều trường hợp F0 bị "bỏ quên" dù đã nhiều lần liên hệ đến cơ sở y tế địa phương để được theo dõi.
Phản ánh đến Lao Động, chị Đ.L.C (18 tuổi, sinh sống tại phường Phúc Tân, Hoàn Kiếm) cho biết, chị nhận kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính với SARS-CoV-2 vào ngày 8.12 nhưng phải đến ngày 14.12 mới được đưa đi.
Theo chị C., trong khoảng thời gian phải chờ đợi lực lượng y tế, chị C. có nhiều biểu hiện sức khoẻ không tốt. Cụ thể, C. bị sốt cao, mất vị giác và ho, cơ thể luôn mệt mỏi.
"Tôi cảm thấy mệt mỏi cả về tinh thần lẫn thể chất vì không nhận được sự hỗ trợ cụ thể nào từ lực lượng y tế trên địa bàn. Ngoài ra, gia đình có người mắc COVID-19 khiến cuộc sống bị ảnh hưởng, hàng xóm xung quanh không dám tiếp xúc và hỗ trợ", chị C. nói.
Tương tự gần đây, một gia đình 4 F0 sống tại chung cư HH Linh Đàm, phường Hoàng Liệt (Hoàng Mai) trở thành tâm điểm dư luận khi họ trải qua 1 tuần mắc bệnh nhưng không nhận được bất kỳ thông tin hay hướng dẫn, sự động viên, hỗ trợ, thuốc điều trị nào từ phía cơ quan chức năng. Đáng chú ý, gia đình 4 F0 này không đủ điều kiện cách ly tại nhà.
Lý giải về sự chậm trễ khi đưa các F0 đi cách ly tập trung, lãnh đạo UBND Phường Hoàng Liệt thừa nhận, hiện các cơ sở thu dung trên địa bàn phường đã quá tải. Hiện tại phường đang kích hoạt trạm y tế lưu động nhưng gặp khó khăn do chưa đủ nhân lực ngành y tế.
Không được hỗ trợ kịp thời, F0 đối mặt với nguy cơ bệnh trầm trọng hơn
Trước tình trạng này, trao đổi với Lao Động, GS.TS Nguyễn Anh Trí - Đại biểu Quốc hội Đoàn TP.Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương đã chỉ ra những tác hại khi F0 không được chăm sóc, hỗ trợ kịp thời.
Theo GS.TS Anh Trí, thành phố Hà Nội cho các trường hợp F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ được cách ly tại nhà là phù hợp.
Đồng thời, Hà Nội đang thành lập 508 trạm y tế lưu động, thu dung và điều trị F0 nhẹ không triệu chứng. Đồng nghĩa, 508 trạm y tế sẽ có nhân viên y tế và được phân bổ cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và thuốc điều trị.
Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp mắc COVID-19 cách ly tại nhà nhưng không được chăm sóc, hỗ trợ chu đáo. Ngoài đảm bảo các điều kiện cách ly như nguyên tắc 5K, điều kiện cơ sở vật chất... điều quan trọng nhất khi cách ly y tế tại nhà là F0 cần sự chăm sóc của nhân viên y tế và sự quản lý của chính quyền địa phương, ông Trí nêu.
"Chăm sóc, hỗ trợ y tế là điều quan trọng và là sự cần thiết đối với F0. Cụ thể, nhân viên y tế cần hướng dẫn phác đồ điều trị cho bệnh nhân, cấp phát thuốc, chế độ dinh dưỡng, rèn luyện sức khoẻ... cho F0. Đặc biệt, nhân viên y tế thực hiện lấy mẫu xét nghiệm theo quy định cho các trường hợp F1, F0 để nắm bắt tình hình sức khoẻ. Nếu không được động viên, chăm sóc... tâm lý, sức khoẻ của người bệnh có nguy cơ trầm trọng hơn", ông Trí khẳng định.
Đôi khi sự lo lắng, hoảng loạn khiến sức khoẻ, tinh thần của bệnh nhân trầm trọng hơn so với tác hại của virus. Cho nên sự động viên, chăm sóc, thăm hỏi kịp thời rất quan trọng bởi đây là liều thuốc tinh thần, Đại biểu Anh Trí thông tin thêm.
GS.TS Anh Trí nhận định, để giải quyết những bất cập trên, chính quyền thành phố cần có phương án kiểm tra, rà soát, chỉnh đốn để người bệnh nhận được sự hỗ trợ, chăm sóc kịp thời.