Năm 2024 ngành y tế tăng tốc và bứt phá
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, trong năm 2023 ngành y tế đã thực hiện vượt 3/3 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu được Quốc hội giao (đạt 12,5 bác sĩ/10.000 dân; 32 giường bệnh/10.000 dân và 93,2% dân số tham gia bảo hiểm y tế).
Qua đánh giá cho thấy, tỉ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế trên 90%.
Tuy nhiên, ngành y tế vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục giải quyết do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Chất lượng công tác quản trị, điều hành và phục vụ người bệnh tại một số cơ sở y tế cũng chưa thực sự bảo đảm yêu cầu đặt ra; Tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của nhân viên y tế, nhất là nhân lực có kinh nghiệm, trình độ, tại các cơ sở y tế khu vực công lập do gia tăng áp lực công việc, mức độ nguy hiểm, rủi ro nghề nghiệp; chế độ đãi ngộ chưa tương xứng với thời gian đào tạo và đặc thù nghề nghiệp…
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, ngành y là một ngành rất đặc biệt, đặc thù, một ngành rất cao quý. Bộ trưởng Đào Hồng Lan mong muốn những khó khăn vất vả của ngành y có được sự chia sẻ, động viên về tinh thần để qua đó sẽ biến thành động viên về chính sách, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của ngành.
Bộ Y tế đề nghị, sắp tới khi triển khai cải cách tiền lương, các cơ quan ban ngành cần quan tâm hơn nữa tới chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ y tế cơ sở, trong đó có đội ngũ làm công tác dân số. Làm sao đảm bảo phụ cấp cao nhất theo quy định để đảm bảo đội ngũ y tế có đủ điều kiện làm việc.
Nâng cao năng lực mạng lưới y tế cơ sở, giảm quá tải bệnh viện
Đó là một trong những mục tiêu ngành y tế đặt ra trong năm 2024. Y tế cơ sở được xem là một trong những nội dung ưu tiên hàng đầu trong Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo PGS.TS Phan Lê Thu Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế), quá tải bệnh viện khi phân tích trên bình diện cung - cầu dịch vụ y tế đó là tình trạng quá tải bệnh viện được đánh giá là hậu quả của sự kết hợp (hay nói đúng hơn là tác động cộng hưởng) của hai nhóm nguyên nhân chính: Thứ nhất, sự thiếu hụt năng lực cung ứng dịch vụ y tế tuyến cuối so với nhu cầu thực tế (cung không đầy đủ) và thứ hai, sự gia tăng quá mức nhu cầu dịch vụ y tế tuyến cuối (cầu tăng quá mức).
Để đạt được sự cân bằng tối ưu giữa cung và cầu dịch vụ y tế tuyến cuối, bên cạnh các nỗ lực gia tăng nguồn cung theo kịp sự gia tăng cầu thực (tăng nguồn cung, cải thiện sự phân bổ các bệnh viện tuyến cuối trên không gian địa lý…), chúng ta cần hạn chế sự gia tăng quá mức cầu dịch vụ y tế tuyến cuối (tăng cường năng lực hệ thống chăm sóc sức khỏe cơ bản và chăm sóc sức khỏe ban đầu, thiết lập hệ thống phân tuyến kỹ thuật và chuyển tuyến hiệu quả, tăng cường can thiệp dự phòng chủ động và nâng cao sức khỏe, tăng cường công tác truyền thông thay đổi hành vi…).
PGS.TS Hoàng Bùi Hải - Trưởng khoa Cấp cứu Hồi sức tích cực (Bệnh viện ĐH Y Hà Nội) - chia sẻ: Áp lực với xã hội bao nhiêu thì áp lực với nhân viên y tế còn cao hơn nữa. Đã có người từng muốn bỏ nghề, có người đã bỏ nghề nhưng phần lớn vẫn trụ lại. Rõ ràng, tình yêu nghề, lương y của một người thầy thuốc được thể hiện mạnh mẽ nhất trong khó khăn. Ngành y tế cũng cần có cơ chế để bác sĩ yên tâm làm việc. Không một bác sĩ nào trong nghề muốn chứng kiến tai biến hay sự cố nghề nghiệp.
Bộ Y tế đề nghị phụ cấp cao nhất với cán bộ y tế cơ sở khi cải cách tiền lương
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Bộ Y tế đề nghị, sắp tới khi triển khai cải cách tiền lương, các cơ quan ban ngành cần quan tâm hơn nữa tới chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ y tế cơ sở, trong đó có đội ngũ làm công tác dân số. Làm sao đảm bảo phụ cấp cao nhất theo quy định để đảm bảo đội ngũ y tế có đủ điều kiện làm việc.