Những kỹ thuật điều trị vô sinh, hiếm muộn tưởng chừng... không thể
Tiêu biểu phải kể đến, năm 2008, TS.BS Lê Vương Văn Vệ- người sáng lập Bệnh viện chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Việt Bỉ đã thực hiện thành công ca thụ tinh trong ống nghiệm với bệnh nhân liệt nửa người, vận động viên Đỗ Đại Dương, mở ra niềm hy vọng mới cho những người kém may mắn về sức khoẻ nhưng vẫn muốn có những đứa con “chính chủ” của mình.
Tiếp đó, năm 2010, TS.BS Lê Vương Văn Vệ cùng đội ngũ y bác sĩ đã thực hiện thành công ca lấy và trữ tinh trùng từ người chồng đã mất. 3 năm sau đó, năm 2013, TS.BS Lê Vương Văn Vệ đã giúp người vợ là PGS.TS Hoàng Thị Kim Dung (một giảng viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) thụ tinh trong ống nghiệm thành công.
Bằng công nghệ tiên tiến và “bàn tay vàng” trong y học hiếm muộn, Tiến sỹ, bác sĩ Lê Vương Văn Vệ và cộng sự đã góp phần nhỏ bé của mình vào việc phá bỏ đi các quan niệm lạc hậu, lỗi thời cả về tư tưởng và kỹ thuật.
Năm 2020, câu chuyện về gia đình vợ chồng khuyết tật anh Nguyễn Văn Can và chị Nguyễn Thị Thúy, (quê Thanh Hóa) đã trở thành "cổ tích" trên hành trình tìm con yêu.
Anh Can bị tai nạn lao động từ năm 19 tuổi, bị liệt nửa người, phải ngồi xe lăn, còn chị Thúy thì bị khuyết tật một tay, một chân trái do tai biến phải mổ não từ hồi nhỏ. Sau khi kết hôn, hai vợ chồng đã quyết định làm phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) để sớm có con. Như một cơ duyên, anh chị được người thân giới thiệu đến Bệnh viện chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Việt Bỉ.
Anh Can được ThS.BS Hà Ngọc Mạnh hỗ trợ lấy tinh trùng và BS Luyện Thị Ngọc Dung theo sát quá trình chọc trứng, chuyển phôi, chăm sóc thai kỳ. Bệnh viện cũng đồng hành cùng hai vợ chồng đến lúc vượt cạn. Hai con gái Thiên An và Thiên Ý chào đời ngày 28.6.2020 đã mang đến hạnh phúc cho gia đình nhỏ bé.
"Chồng bị liệt không thể đi lại, một mình tôi nhiều lần đi đi lại lại, khó khăn chồng chất... Thế nhưng, các bác sĩ ở đây coi tôi như người nhà, giúp đỡ, động viên tôi những lúc khó khăn, khiến cho tôi có động lực để đạt được thành quả là 2 cô con gái mà trước đó chỉ có trong mơ tôi mới có được"- chị Thúy xúc động nói.
Hút bệnh nhân nước ngoài đến Việt Nam chữa bệnh
Những kỹ thuật chữa vô sinh hiếm muộn tiên tiến, cộng với giá dịch vụ rẻ tại Việt Nam đã trở thành nam châm "hút" các bệnh nhân nước ngoài đến với các bệnh viện chuyên ngành này.
Anh Borah (người Ấn Độ) và vợ đã từng nhiều lần chữa hiếm muộn tại các cơ sở y tế tại Ấn Độ nhưng không có kết quả. Biết thông tin về các thành công trong chữa vô sinh hiếm muộn tại Việt Nam, vợ chồng anh Borah quyết định tìm đến.
"Trải qua nhiều lần thăm khám, điều trị ở nhiều nơi không có kết quả, chúng tôi đã bỏ cuộc. Thế nhưng, một lần được bạn bè giới thiệu, chúng tôi đã đến Việt Nam và được gieo hy vọng. Chúng tôi có được trái ngọt là một cậu con trai kháu khỉnh, không chỉ nhờ kỹ thuật tiên tiến, mà nhờ sự tận tâm của các y bác sĩ. Chúng tôi thực sự xúc động"- vợ anh Borah chia sẻ.
Vợ chồng anh Borah là một trong số rất nhiều cặp đôi người nước ngoài, tìm đến Việt Nam để thăm khám và điều trị vô sinh hiếm muộn, mong muốn gặt hái trái ngọt sau nhiều năm không có được một mụn con.
"Nhiều cặp vợ chồng đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp... cũng đã được điều trị hiếm muộn thành công, có con sau nhiều năm, nhiều lần chữa hiếm muộn. Điều này khẳng định tay nghề, uy tín của các bác sĩ Việt Nam trong lĩnh vực điều trị vô sinh hiếm muộn"- bà Trương Thị Ngoan, Giám đốc Công ty TNHH Bệnh viện Việt - Bỉ cho biết.