“Con tôi như được tái sinh thêm một lần nữa”, anh Nguyễn Viết Khang và chị Đặng Hải Đăng (quận 7, TP.HCM) – ba mẹ của bé Nguyễn Đặng Khôi Nguyên xúc động chia sẻ trong ngày con được xuất viện.
Chị Đăng bộc bạch, Khôi Nguyên bị bệnh vàng da sau sinh nên gia đình đưa đi khám, khi đó còn phát hiện thêm tim bị dị tật bẩm sinh.
“Ban đầu gia đình chỉ nghĩ sức khỏe của con là do biến chứng của vàng da sau sinh nên khi biết cháu bị tim mạch bẩm sinh thì hai vợ chồng vô cùng lo lắng”, chị Đăng – anh Khang trải lòng.
Được bác sĩ chuyên khoa tim mạch hàng đầu tại TPHCM giới thiệu, gia đình đã đưa Khôi Nguyên đến Bệnh viện Vinmec Central Park với hy vọng tìm ra căn cơ các bệnh lý để có thể cứu sống bé.
Bé Khôi Nguyên được chẩn đoán bị thân chung động mạch – một bệnh tim bẩm sinh hiếm gặp, chỉ chiếm khoảng 3% bệnh lý tim bẩm sinh. Nếu không được phẫu thuật, hầu hết (90%) trẻ sẽ tử vong trong năm đầu sau sinh.
Khi đến Vinmec Central Park, bé Khôi Nguyên đã sau 45 ngày tuổi, có lưu lượng máu qua phổi tăng cao, tim phải làm việc quá sức dẫn đến tình trạng suy tim nặng. Ngoài ra, bé còn bị hội chứng vàng da nặng; giảm bạch cầu hạt trong máu, khả năng gây suy giảm miễn dịch... nên đứng trước ca mổ “cân não”, các phương án mổ được các bác sỹ cân nhắc và tính toán rất kỹ.
Ngày 8.1.2019, ca phẫu thuật thân chung động mạch cho bệnh nhi Nguyễn Đặng Khôi Nguyên được êkip bác sĩ Nguyễn Lương Tấn - Trưởng khoa Ngoại tim mạch Vinmec Central Park thực hiện. Ca phẫu thuật đã áp dụng kỹ thuật gây tê mặt phẳng khoang cơ dựng sống (ESP) hiện đại nhất hiện nay, thay vì dùng các liều morphin giảm đau thông thường.
“Đứng trước ca bệnh nhi bị tim mạch bẩm sinh kèm các triệu chứng suy hô hấp và có nhiều bệnh lý kèm theo như vậy, chúng tôi phải cân nhắc sử dụng các phương pháp gây tê để ca phẫu thuật được “êm” và khi hồi sức cũng phải lựa chọn thuốc không gây ảnh hưởng đến gan, thận, mật; đồng thời phải chăm sóc rất tỉ mỉ để không gây nhiễm trùng hậu phẫu”, ThS.BS Hồ Thị Xuân Nga – khoa Gây mê hồi sức tim của Bệnh viện Vinmec Central Park chia sẻ.
Theo bác sĩ Nguyễn Lương Tấn, bước quan trọng nhất trong khi mổ thân chung động mạch là phải kiểm soát thân động mạch trước khi ngừng tim nhằm bảo vệ phổi trong quá trình “sửa chữa”. Sau khi đã tái tạo lại thân động mạch phổi từ tube van sinh học thì tiến hành sửa chữa trong tim, bao gồm đóng thông liên thất, cắm thân động mạch phổi vào đường thoát mới của thất phải.
Và điều kỳ diệu đã xảy ra khi ca phẫu thuật thành công tốt đẹp chỉ sau 5h “cân não”, bằng một nửa thời gian so với dự kiến.
Sửa chữa thân chung động mạch không phải là kỹ thuật quá khó, quá phức tạp và hầu hết trung tâm phẫu thuật lớn về tim mạch có thể thực hiện được. Tuy nhiên, với bệnh nhi kèm theo nhiều rối loạn khác thì quá trình hồi sức sau phẫu thuật sẽ không dễ dàng. Sinh tử mong manh như đường tơ kẽ tóc.
Những ngày tiếp theo, bé tiếp tục được chăm sóc đặc biệt hậu phẫu và sức khỏe tiến triển rõ rệt: “Cai” máy thở chỉ một ngày sau phẫu thuật; có thể ăn sữa, ngủ ngon, vui cười chỉ vài ngày sau đó và xuất viện sau 1 tuần phẫu thuật. Với vợ chồng anh Khang – chị Đăng, cảm xúc ấy thật khó diễn tả hết bằng lời, chỉ biết rằng, một phép nhiệm màu đã ứng nghiệm để con của họ được sinh ra thêm một lần nữa.
“Những khi có nhiều hy vọng thành công sau một ca mổ, tôi thường nghĩ về lời chúc mừng giản dị nhưng rất nổi tiếng của ê kíp tim mạch ở Rennes (Pháp): “Encore une vie sauvée - Thêm một cuộc sống được cứu”, bác sĩ Nguyễn Lương Tấn bộc bạch.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Centrap Park đã liên tục thực hiện nhiều ca phẫu thuật tim hở không dùng morphin, tỉ lệ thành công 100%. Dự kiến, trong thời gian tới, Vinmec sẽ áp dụng phương pháp mổ không dùng morphin trên tất cả phẫu thuật tại vùng ngực, bụng. Đặc biệt, trẻ em từ 3kg trở lên và ở bệnh nhân lớn tuổi có suy giảm chức năng các cơ quan như gan, thận, phổi… vẫn có thể sử dụng phương pháp này một cách an toàn.