Ngày 9.8, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, tổ chức này đang theo dõi một số biến thể SARS-CoV-2 mới. Biến thể này là EG.5, đang lan rộng ở Mỹ và Vương quốc Anh, được nhận định là một dòng phụ của Omicron.
"Dù EG.5 khiến tỉ lệ mắc bệnh cao hơn, lợi thế tăng trưởng và các đặc tính trốn tránh miễn dịch của nó cũng tăng, đến nay vẫn chưa có báo cáo cho thấy mức độ nghiêm trọng của bệnh thay đổi", đại diện WHO nói.
Tại Việt Nam, theo báo cáo của Bộ Y tế, từ đầu tháng 8 đến nay số ca mắc COVID-19 dao động khoảng vài chục ca mỗi ngày.
Song song với việc ca mắc COVID-19 giảm thì số mũi tiêm vaccine phòng COVID-19 cũng giảm.
Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy từ ngày 20.7 đến nay không có mũi vaccine phòng COVID-19 nào được tiêm. Trước đó, ngày 19.7 có 26 liều tiêm, tổng số liều vaccine tính đến nay là 266.532.582 liều.
Bộ Y tế hiện vẫn duy trì giám sát ca bệnh, công bố thông tin số ca mắc mới, số ca bệnh nặng, ca tử vong và số ca khỏi bệnh hàng ngày. Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế đang thực hiện hoàn thiện hồ sơ đưa COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B.
Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, WHO công bố đang theo dõi một số biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đang lan rộng ở Mỹ và Vương quốc Anh.
Tuy nhiên, WHO chưa có cảnh báo cụ thể đối với các nước về độc tính, khả năng lây lan của biến thể mới này.
Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần tiếp tục theo dõi sát các thông tin của WHO về tính lây lan và độc lực của các biến thể mới.
Bên cạnh đó, người dân cần tiếp tục thực hiện các biện pháp dự phòng như đeo khẩu trang ở khu vực nguy cơ, khi tiếp xúc với người có triệu chứng nghi ngờ, khử khuẩn tay thường xuyên và tiêm vaccine phòng bệnh.
Đặc biệt với nhóm người nguy cơ cao, có bệnh lý nền, người có suy giảm hệ miễn dịch…
Trước đó, vào tháng 5 khi chính thức tuyên bố đại dịch COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, WHO vẫn nhấn mạnh về việc dịch bệnh vẫn chưa kết thúc.
Đồng thời khuyến nghị các quốc gia theo dõi sát sao về sự lây lan của virus trong cả nước, chuyển từ ứng phó dịch khẩn cấp sang quản lý, kiểm soát và phòng ngừa dịch COVID-19 bền vững lâu dài.