Vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng: Đã xuyên thủng được lỗ thứ 2

K.D- NT - Trung Kiên |

Khoảng 20 giờ 20, mũi khoan thứ 2 đã xuyên thủng được một lỗ có đường kính 6cm. Việc hút nước đang được gấp rút triển khai. Cửa hầm phía bên kia đã khoan được 16m trong tổng chiều dài 60m. Theo tính toán, lỗ khoan này khoảng nửa đêm nay có khả năng sẽ thông.
22h20':

Bước ra từ hầm thuỷ điện, anh Nguyễn Văn Quân (quê Hà Tĩnh) đi vội về phía lán trại. Vơ chiếc bánh mì mềm oặt vì để lâu, nam thanh niên nhai ngấu nghiến, mắt không rời cửa hầm.

"Em ruột tôi kẹt ở trong đó. Lót dạ tí rồi tôi vô làm tiếp", Quân nói với VNE rồi tu chai nước ừng ực. "Tôi vừa nói chuyện với nó qua đường ống truyền thức ăn. Nó bảo rằng nước ở trong đó dâng cao lắm, mọi người vẫn ngồi trên những máy móc có sẵn ở khu hầm sập. Nó còn bảo mọi người rất lạnh, cần quần áo mặc".

Được anh trai thông báo đã khoan thông được vào trong và đang hút nước ra ngoài, người em trai giọng rất phấn khởi. "Cứ bơm nước ra và đưa thức ăn vào trong này là tụi em OK, anh đừng lo", Quân kể lại trấn an của em trai.

"Tôi mừng lắm, đã điện báo gia đình, mọi người đang chuẩn bị vô", anh Quân cho biết thêm.

 

20h20':

Theo báo Lâm Đồng, mực nước hầm khu vực 12 công nhân gặp nạn đã dâng lên 1,2m. Dù đã được tiếp tế nước gừng để giữ ấm nhưng lúc này nhiệt độ đang xuống thấp, trời rất lạnh lại ở trong môi trường ngập nước nên các nạn nhân báo ra bên ngoài là bên trong họ đang rất lạnh...

Trước đó, vào đầu giờ chiều, do tình trạng nước bên trong không ngừng dâng lên, ống thông hơi bị tắc và ẩm nên 12 công nhân đang mắc kẹt có thể sẽ bị ngạt nước, Ban Chỉ huy lực lượng cứu hộ đã nhanh chóng họp bàn tìm giải pháp mới. Phương án được thống nhất là vừa đào hầm cho người thoát ra vừa khoan thoát nước ra ngoài.

Nước từ trong khu hầm sập phun ra qua đường ống vừa khoan được. Ảnh: VNE
Nước từ trong khu hầm sập phun ra qua đường ống vừa khoan được. Ảnh: VNE
"Khoan cọc nhồi từ bên trên xuống để cứu người"- là phương án chỉ đạo của bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nghay sau khi ông đi khảo sát hiện trường vào khoảng 15 giờ cùng ngày. Theo Bộ trưởng, cần phối hợp giữa khoan dọc từ bên ngoài vào và khoan cọc nhồi từ trên xuống để nhanh chóng cứu 12 nạn nhân ra ngoài.
 
Như vậy từ thời điểm 15 giờ ngày 17.12, có 3 phương án đang được triển khai tích cực cùng lúc là: Khoan cọc nhồi từ trên xuống, khoan thoát nước chống ngập và khoan cửa hầm để đặt ống sắt cho các nạn nhân chui ra.

Ban chỉ huy cứu hộ cũng cho biết: Một máy khoan công suất lớn đang được huy động và di chuyển gấp rút từ Tp. Hồ Chí Minh lên Lâm Đồng để hỗ trợ cứu hộ. Dự kiến sau 5 tiếng nữa máy sẽ về đến nơi xảy ra sự cố.

Trời về chiều, tối nhiệt độ càng lúc càng xuống thấp nhưng tinh thần và nhịp độ làm việc của những người lính cứu hộ vẫn không hề giảm, theo báo Lâm Đồng.

Hàng trăm người đang có mặt tại hiện trường cùng triệu triệu trái tim cả nước đang hướng về đoạn hầm bên sông Đạ Dâng, nơi mà sự sống của 12 công nhân thủy điện đã được thắp lên nhưng cũng còn không ít rủi ro.
 
Tiếng của các loại máy móc vẫn đang gầm rú trước cửa hầm "sinh tử". Phía bên kia hầm, 12 công nhân đang chiến đấu theo cách riêng của họ. "Tinh thần và sức khỏe của 12 người vẫn ổn, thỉnh thoảng vẫn nghe họ cười đùa động viên nhau trong ấy. Chúng tôi đang chuẩn bị đưa cháo gà, xúc xích, sữa tươi vào cho họ. Nước đang ngập, ở trong đó ăn uống chắc cũng chẳng dễ dàng gì, mong họ nhanh trở ra để ăn một bữa cho đàng hoàng" - ông Đặng Hồng Chiến, công nhân Công ty CP Sông Đà 505, người tham gia công tác tiếp tế thức ăn cho các nạn nhân kể.
 
Qua một ống thông nhỏ nên không trò chuyện được nhiều nhưng mỗi lần các cứu hộ viên hỏi vọng vào thì luôn chắc nịnh một câu trả lời "chúng tôi ổn" được đáp ra.

3 mũi khoan công suất lớn vẫn đang hoạt động hết tốc lực để khoan sâu vào bên trong. Hy vọng nước sẽ nhanh chóng được thoát ra và hầm sẽ mau được khơi thông để các nạn nhân thoát ra an toàn.

6h15 chiều ngày 17.12

Theo Ông Nguyễn Duy Hải, Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương, hiện các lực lượng cứu hộ đang làm hầm chữ A bằng gỗ tròn cao khoảng 1 mét để đưa đất ra. Tuy nhiên, công tác này vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn do đất nhão, nhiều cát đá nên tiến độ rất chậm.

Đến hơn 6h chiều nay 17.12, lực lượng cứu hộ vẫn tích cực triển khai các hoạt động để cứu 12 công nhân đang bị mắc kẹt trong hầm thủy điện Đạ Dâng. Hiện tại, nước trong hầm đã dâng lên khoảng 1,3 mét, trời Đà Lạt càng về chiều càng lạnh. 12 công nhân đang phải chịu rét trong hầm sâu, tuy nhiên sức khỏe của họ vẫn ổn định.

5h50 chiều ngày 17.12

Ông Cao Anh Dũng, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường Công nghiệp, Bộ công thương đang có mặt ở hiện trường vụ cứu hộ cho biết hiện nay các chuyên gia đào hầm của Trung tâm cấp cứu mỏ thuộc Tập đoàn CN Than Khoáng sản Việt Nam đang tích cực đào hầm. Lực lượng cứu hộ đang khoan một đường ngách phía bên phải của hầm bị sập. Dự kiến vài ngày nữa mới có thể tiếp cận được vị trí của 12 công nhân đang trú ẩn.

Về kế hoạch cứu hộ, ông Dũng cho hay hiện nay các lực lượng chức năng đang tính toán 3 phương án theo 3 hướng, từ hai đầu hầm và từ trên đỉnh đồi xuống. Phương án khoan từ trên xuống sẽ áp dụng khoan cột nhồi. “Việc quan trọng nhất bây giờ là phải rút được bằng được nước trong hầm sập ra ngoài, song song với đó là đào hầm”.

Ngày mai, để chi viện thêm cho việc cứu hộ, Trung tâm cấp cứu mỏ thuộc Tập đoàn CN Than Khoáng sản VN sẽ cử thêm 10 chuyên gia đến hiện trường, hỗ trợ việc đào hầm. Bộ xây dựng cũng sẽ cử thêm người vào hiện trường để khảo sát và tiến hành khoan từ trên đỉnh đồi xuống.

Ông Cao Anh Dũng cũng khẳng định: "Hiện tại, nguyên nhân của vụ sập hầm vẫn chưa thể xác định, việc quan trọng nhất trước mắt là cứu được toàn bộ 12 công nhân an toàn ra ngoài". 

17h chiều 17.12

Hiện nay mực nước bên trong hầm nơi các nạn nhân mắc kẹt đã dâng cao hơn 1,3 mét. Càng về chiều tối thời tiết Đà Lạt càng lạnh.

Nhóm bác sĩ của bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM bao gồm 3 bác sĩ và 1 xe cấp cứu với đầy đủ dụng cụ đã nhận lệnh lên đường trực chỉ Lâm Đồng sẵn sàng hỗ trợ, ứng cứu các nạn nhân. Tại hiện trường, nhà chức trách tiếp tục đưa thêm máy chuyên dụng vào trong hầm cứu nạn, bơm nước. 

Đến chiều tối ngày 17.12, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng đoàn công tác đã đến hiện trường vụ sập hầm thăm hỏi, động viên lực lượng y tế và người nhà nạn nhân đang túc trực tại hiện trường. Bộ trưởng cũng đã chỉ đạo lực lượng y tế Lâm Đồng cần tiếp tục theo dõi, tham gia ứng cứu nhằm đảm bảo cho các nạn nhân đang mắc kẹt có đầy đủ oxy và thực phẩm.

Bộ trưởng Tiến cho biết thêm: Hiện tại, lực lượng y tế tham gia cứu hộ tại hiện trường có khoảng 12 bác sỹ, 12 y tá, 6 xe cứu thương và nhiều phương tiện khác. Hiện tại Bộ cũng đã điều các bác sỹ chuyên khoa chống ngạt từ TP. HCM cùng lên để sẵn sàng cho công tác ứng cứu người bị nạn. Đồng thời, Bộ Y tế và Sở Y tế Lâm Đồng đã phân công lực lượng y tế thành 3 tổ, khi hầm được thông sẽ nhanh chóng vào vị trí làm nhiệm vụ ứng cứu. Với sự chuẩn bị như vậy, bà Bộ trưởng tin rằng sẽ ứng phó kịp thời khi hầm được thông để cứu người bị nạn.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến động viên chị Phan Thị Hoa - vợ anh Trương Tuấn Việt (một trong 12 người đang mắc kẹt trong hầm). Ảnh:Phước Tuấn, VNE
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến động viên chị Phan Thị Hoa - vợ anh Trương Tuấn Việt (một trong 12 người đang mắc kẹt trong hầm). Ảnh:Phước Tuấn, VNE

Nhân viên điện lực Lâm Đồng đang kéo dây điện vào trong hầm để khoan hầm. Ảnh: Phước Tuấn, VNE
Nhân viên điện lực Lâm Đồng đang kéo dây điện vào trong hầm để khoan hầm. Ảnh: Phước Tuấn, VNE

Dây điện được kéo vào phía trong phục vụ công tác khoan hầm. Ảnh: Phước Tuấn, VNE
Dây điện được kéo vào phía trong phục vụ công tác khoan hầm. Ảnh: Phước Tuấn, VNE

15h30: BS Bệnh viện Chợ Rẫy lên đường hỗ trợ công tác cứu hộ vụ sập hầm thủy điện

TS. BS Nguyễn Trường Sơn, giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cho biết theo yêu cầu của Bộ Y tế trưa 17-12, ba bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy, trong đó có một phó giám đốc của bệnh viện và hai bác sĩ của khoa Hồi sức cấp cứu đã lên Lâm Đồng sẵn sàng hỗ trợ bệnh viện tỉnh Lâm Đồng trong việc ứng cứu các nạn nhân.

15h00: Sở Cảnh sát PCCC TP điều động 4 xe cứu nạn cứu hộ chi viện

Chiều 17-12, đại tá Lê Tấn Bửu – Giám đốc Sở cảnh sát phòng cháy và chữa cháy (PCCC) TP HCM, cho biết lúc 15h cùng ngày, đoàn xe chi viện do Sở PCCC TP điều động gồm 2 xe cứu nạn cứu hộ chuyên nghiệp, 2 xe chuyên dụng chở 45 cán bộ chiến sĩ, cùng nhiều thiết bị, máy móc chuyên nghiệp lên đường đến hiện trường khu vực sập hầm mỏ ở Lâm Đồng để tham gia công tác cứu nạn, cứu hộ.

13h30 chiều ngày 17.12:

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã có mặt tại hiện trường vụ sập đường hầm dẫn nước thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo để kiểm tra, chỉ đạo các biện pháp cứu hộ. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng yêu cầu tạm dừng thi công công trìn thủy điện này, cho đến lúc được sự chấp thuận của Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng việc tạm dừng thi công là cần thiết, bởi công trình thủy điện là rất cần thiết nhưng phải đảm bảo an toàn, mà công trình này thi công không an toàn.

Về công tác cứu hộ, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao nỗ lực của lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, các lực lượng cứu hộ trong hai ngày qua, nhờ vậy đã đưa được ô xy và thức ăn đến 12 công nhân bị mắc kẹt trong đường hầm. Tuy nhiên, đáng lo ngại là mực nước trong hầm đang dâng cao, hiện đã dâng trên 1mét, nếu để quá lâu là mất an toàn cho những người bị kẹt bên trong.

Bộ trưởng Bộ Công thương chỉ đạo lực lượng cứu hộ làm nhiệm vụ
Bộ trưởng Bộ Công thương chỉ đạo lực lượng cứu hộ làm nhiệm vụ

Vì vậy Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các lực lượng cứu hộ phải nhanh chóng khoan để bơm nước ra ngoài. Đồng thời tiếp tục đào hầm cóc, đóng cừ gia cố để tạo đường đưa các nạn nhân ra ngoài. Quá trình triển khai các phương án, phải thường xuyên giữ liên lạc với những người bên trong, tìm cách đưa quần áo vào cho mọi người.

"Chúng ta phải triển khai cùng lúc nhiều phương án, không phân biệt là trách nhiệm của ai, cố gắng trong hai ngày nữa đưa được những người bị nạn ra ngoài" - Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nói. Đồng thời với công tác cứu hộ, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các ngành chức năng của tỉnh kiểm tra, làm rõ nguyên nhân sự cố và trách nhiệm để có biện pháp xử lý.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Bộ trưởng Bộ Công thương trả lời phóng vấn báo chí tại hiện trường.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Bộ trưởng Bộ Công thương trả lời phóng vấn báo chí tại hiện trường.

Đến 13 giờ 25 phút chiều nay 17.12, lực lượng cứu hộ vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc đưa đất từ bên trong ra khỏi miệng hầm theo phương án đào hầm ếch chữ A vì lượng đất đá từ bên trên sụp xuống khá lớn. Một phương án khác được đưa ra: Đào hầm từ bên trên để thông xuống đường hầm. Ngay trong buổi trưa ngày 17.12, một toán các chiến sỹ công binh của Lữ đoàn Công binh 25 Quân khu 7 đã đi lên phía trên đồi để khảo sát nhưng giải pháp khả thi vẫn chưa được tìm thấy.

Có mặt tại hiện trường, ông Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến và ông Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt chỉ đạo: Bằng mọi cách phải khoan xuyên vào bên trong nhằm rút nước ra bên ngoài; vì hiện tại, nước ở bên trong tiếp tục dâng cao (khoảng 1m theo dự đoán), tính mạng của 12 công nhân bị đe dọa ngạt nước nếu nước tiếp tục dâng thêm. Cùng đó, ống thông hơi cũng đang có vấn đề cần khắc phục ngay lập tức.

Việc khoan mũi khoan để đưa đường ống đối lưu không khí vào trong vẫn gặp rắc rối bởi lớp đá bên trong đường ống quá dày. “Trước mắt, việc làm thế nào để giữ được lượng khí oxy, không để nước tiếp tục dâng cao và có đủ lượng lương thực cho những người bị mắc kẹt ở bên trong là quan trọng nhất” - đại tá Hoàng Công Thạo, chỉ huy trưởng cứu nạn, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC Công an Lâm Đồng - phát biểu.

Lực lượng công binh Quân khu 7 hội ý chớp nhoáng để bàn cách cứu hộ
Lực lượng công binh Quân khu 7 hội ý chớp nhoáng để bàn cách cứu hộ
Video Thượng tá Phạm Phú Ty trao đổi với phóng viên về tình hình cứu hộ


Suốt đêm qua (16.12), lực lượng cứu hộ hơn 100 người làm việc không ngơi nghỉ. Ngoài tiếp tế nước và xúc xích qua đường ống, nửa khuya, những bịch cháo gà cũng đã được chuyền vào bên trong cho các công nhân bị nạn. “Đáng mừng là những thứ tiếp tế ấy đã được anh em công nhân ở bên trong nhận lấy và nói vọng ra bên ngoài. Như vậy, dưỡng khí và thức ăn cùng nước uống đã có, hy vọng mọi người bên trong ấy vẫn an toàn” - ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, hiện có mặt tại hiện trường (cả suốt đêm qua), vui mừng cho biết. 

VIDEO DIỄN BIẾN VỤ SẬP HẦM THỦY ĐIỆN ĐẠ DÂNG

Sáng nay, sau chặng đường hành quan dài, gần 30 chiến sỹ của Lữ đoàn Công binh 25 thuộc Quân khu 7 đã có mặt tại hiện trường để tiếp ứng đội quân ứng cứu tại chỗ. Ngay sau khi có mặt, các chiến sỹ công binh đã cùng với lực lượng ứng cứu tại chỗ tiến hành gia cố đường hầm và đào đất đá đưa ra bên ngoài. Hiện tại (9h20), tại hiện trường nơi xảy ra sự cố, trời vẫn đang còn mưa và nhiệt độ xuống rất thấp (khoảng 12 - 13 độ C). Tuy vậy, lực lượng cứu hộ vẫn làm việc không ngơi nghỉ. 

Đại tá Hoàng Công Thạo - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC Công an Lâm Đồng, chỉ huy trưởng công tác cứu nạn - cho biết: “Từ lúc 8 giờ sáng nay, chúng tôi đang thực hiện mũi khoan thứ hai xuyên qua đường hầm để lưu thông không khí, giúp những công nhân bị nạn bên trong dễ thở hơn. Cùng đó là việc tiến hành gia cố đường hầm để đưa đất đá ra bên ngoài, tránh sự cố đáng tiếc có thể xảy ra...”.

Cũng trong sáng 17.12, tại hiện trường, thượng tá Phan Phú Ty - Phó trưởng Công an huyện Lạc Dương - cho biết, qua liên lạc bằng đường ống, xác định hiện các nạn nhân bị kẹt bên trong đường hầm vẫn khỏe. Lực lượng cứu hộ tiếp tục truyền cháo, sữa vào bên trong đường ống cho các nạn nhân, đồng thời thay đổi phương án cứu hộ. Theo đại tá Phan Văn Hùng, Phó tham mưu trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Đồng, Quân khu VII điều động 30 cán bộ, chiến sỹ công binh đến phối hợp với các lực lượng của Lâm Đồng triển khai cứu hộ. Hiện phương án khoan, đưa đường ống lớn vào cho các nạn nhân chui ra đã dừng thực hiện do khoan tới đâu đất đá sập xuống tới đó, nhiều mũi khoan liên tục đụng đá... Do vậy lực lượng công binh Quân Khu VII đã chuyển sang đào hầm cóc, đào tới đâu thì đưa gỗ sắt vào cừ theo hình chữ A tới đó để gia cố chống sập. Đây là con đường để đưa các nạn nhân ra ngoài. 

Theo quan sát của PV Lao Động, trong khi các chiến sỹ công binh đang moi đất phía trong, ngoài cửa hầm rất nhiều dân quân du kích và các lực lượng khác khẩn trương cưa gỗ thông, đưa dần vào bên trong để đóng cừ. Tuy nhiên, do đoạn bị sập có thể dài tới 30m hoặc hơn, hiện chưa thể xác định mất bao nhiêu thời gian để lực lượng cứu hộ có thể tiếp cận các nạn nhân.  Về con số nạn nhân bị mắc kẹt, thượng tá Ty cho biết lúc đầu Ban Chỉ huy công trường báo có 11 người, nhưng đến sáng nay lực lượng cứu hộ xác định là 12 người.

Lúc 9 giờ sáng 17.12, ông Nguyễn Xuân Tiến - Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng - đã đến hiện trường động viên các lực lượng tham gia cứu hộ, chỉ đạo công tác cứu hộ khẩn trương nhằm đưa các nạn nhân ra ngoài trong thời gian sớm nhất có thể.

Chùm ảnh ghi tại hiện trường sáng nay (17.12):

Khẩn trương cưa gỗ thông để đưa vào hầm đóng cừ.
Thượng tá Phan Văn Ty nói về tình hình sức khỏe các nạn nhân.

Không khí khẩn trương ngoài cửa hầm sáng 17.12.
Lực lượng cứu hộ tiếp tục vào hầm.
Sáng nay (17.12), công việc đào đất đá đưa ra bên ngoài vẫn tiếp tục được thực hiện bởi lực lượng cứu hộ nhưng khó có thể nói trước rằng đến lúc nào sẽ thông được đường hầm.
Sáng nay (17.12), công việc đào đất đá đưa ra bên ngoài vẫn tiếp tục được thực hiện bởi lực lượng cứu hộ nhưng khó có thể nói trước rằng đến lúc nào sẽ thông được đường hầm.
Thắp sáng bên trong đường hầm.
Thắp sáng bên trong đường hầm.
Cưa xẻ gỗ để chống đỡ vòm đường hầm.
Cưa xẻ gỗ để chống đỡ vòm đường hầm.
Bên ngoài đường hầm, mỗi người cũng đều có việc để làm nhằm góp phần cứu các nạn nhân.
Bên ngoài đường hầm, mỗi người cũng đều có việc để làm nhằm góp phần cứu các nạn nhân.
Hy vọng toàn bộ 12 công nhân sẽ được cứu sống trong thời gian sớm nhất.
Hy vọng toàn bộ 12 công nhân sẽ được cứu sống trong thời gian sớm nhất.

K.D- NT - Trung Kiên
TIN LIÊN QUAN

Bộ Tài chính xem xét tăng mức giảm trừ gia cảnh

Mai Ánh |

Bộ Tài chính đang tiến hành đánh giá lại mức giảm trừ gia cảnh theo kiến nghị của các cử tri từ 6 tỉnh, thành phố.

Thông báo Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

. |

Thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa, Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp từ ngày 18.9 đến ngày 20.9.2024 tại Thủ đô Hà Nội.

Quan hệ với Tổng Công hội Trung Quốc đặc biệt được coi trọng

Kiều Vũ - Hải Nguyễn |

Hà Nội - Ngày 20.9, diễn ra Hội đàm giữa Tổng LĐLĐVN và Tổng Công hội Trung Quốc (ACFTU).

Cựu lãnh đạo SCB khai mẹ và dì cũng là bị hại của mình

Tâm Tú |

TPHCM - Cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB - Trương Khánh Hoàng cho biết, bản thân ân hận, xót xa vì có nhiều bị hại trong vụ án, trong đó có mẹ và dì của bị cáo.

Đánh người đấu giá đất ngay trụ sở UBND thị trấn ở Bình Định

Hoài Phương |

Công an huyện Phù Cát (Bình Định) đang vào cuộc làm rõ vụ đánh người tham gia đấu giá đất xảy ra tại trụ sở UBND thị trấn Cát Tiến.

Quảng Nam sẽ xây nhà mới cho cả làng bị họa sạt lở đe dọa

Hoàng Bin |

Quảng Nam sẽ bố trí tái định cư trước Tết cho cả ngôi làng phải di dời khẩn cấp do vết nứt lớn trên đồi cao đe dọa.

Công an xuất hiện tại công ty trúng nhiều gói thầu

HOÀI THANH |

Lực lượng Công an huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) đã có mặt tại trụ sở Công ty TNHH xây dựng và thương mại Tập đoàn Việt Anh.