Thành phố Hà Nội có 3 khu ký túc xá (KTX) lớn cho học sinh, sinh viên đó là khu KTX Hacinco, Mỹ Đình 2 và Pháp Vân - Tứ Hiệp. Trong đó 2 khu KTX là Hacinco và Mỹ Đình 2 luôn đông đúc học sinh, sinh viên thuê ở thì khu KTX Pháp Vân-Tứ Hiệp lại trong tình trạng ngược lại.
Khu KTX Pháp Vân - Tứ Hiệp đã được khởi công xây dựng năm 2009 với nguồn vốn đầu tư gần 1.900 tỉ đồng. KTX này có quy mô 6 tòa nhà, mục tiêu đáp ứng chỗ ở cho khoảng 22.000 học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Hà Nội.
Dù được xây dựng trên vị trí đắc địa của phía Nam Thủ đô nhưng sau hơn 10 năm, chỉ có 2 trong số 6 toà nhà cao tầng tại KTX này có sinh viên thuê ở. 4 khối nhà khác vẫn trong tình trạng bỏ hoang nhiều năm.
Theo ghi nhận của PV Lao Động, đa số các toà nhà chỉ mới xây xong phần thô, nhiều khu vực xuất hiện dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng, ngập ngụa rác thải. Dự án được che chắn bằng lớp tường tôn, cây cối mọc um tùm.
Mới đây, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở tới năm 2025 với mục tiêu phát triển 1 triệu m2 sàn nhà ở xã hội (NƠXH) với nguồn vốn khoảng 12.500 tỉ đồng.
Trong số đó sẽ dành hơn 220 tỉ đồng để hoàn thiện và điều chỉnh các toà nhà đang bỏ hoang hơn chục năm tại dự án KTX cho học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp thành nhà ở xã hội cho thuê.
Thông tin này khiến nhiều người vừa vui mừng xen lẫn băn khoăn. Ông Nguyễn Thế Hùng (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay, đây là một tin mừng với người thu nhập thấp, có thêm cơ hội tiếp cận với các công trình nhà ở.
“Thành phố đầu tư để có thêm NƠXH cho người dân được mua nhà giá rẻ thì người dân bao giờ cũng vui vẻ. Người đi làm lương tháng chỉ vài triệu mà mua được nhà thì đúng là rất vui” - ông Hùng nói.
Tuy nhiên ông Hùng nêu băn khoăn, với các căn hộ có diện tích 60-70m2 thì khá thuận tiện nhưng với những căn hộ có diện tích nhỏ hơn, chỉ khoảng 40m2 thì việc sinh hoạt có thể không được thuận tiện cho lắm, nhất là đối với hộ gia đình.
Trao đổi với Lao Động, kiến trúc sư (KTS) Trần Huy Ánh - Hội KTS TP Hà Nội - cho rằng, về cơ sở pháp lý thì có thể có những căn cứ để chuyển đổi mục đích sử dụng những toà nhà này, bởi khu KTX này được đầu tư bằng tiền ngân sách. Để tránh lãng phí nguồn lực, lãng phí tài nguyên thì việc tính toán chuyển đổi công năng sử dụng của khu KTX này cũng là điều nên làm.
Điều quan trọng hơn đó là, chức năng của nhà ở sinh viên với chức năng của NƠXH cho người thu nhập thấp là có khác nhau. Khi chuyển đổi công năng thành NƠXH thì cần có những hạ tầng xã hội khác đi kèm. Việc chuyển đổi công năng phải phù hợp với nhu cầu cuộc sống của cư dân đô thị.
“Đi cùng với NƠXH đó là nhà trẻ, trường học, y tế, sân chơi, không gian công cộng. Đi cùng với chuyển đổi từ nhà ở sinh viên thành NƠXH cần có cả một hệ thống chuyển đổi từ kiến trúc, cấu trúc, đến tài chính và bộ máy quản trị” - ông Ánh nói và cho rằng, việc chuyển đổi hạ tầng phụ trợ và các khu chức năng đủ để trở thành các căn hộ khép kín, tiện nghi sẽ là bài toán không dễ với các nhà quản lý.