Nhiều năm nay, khu nhà A7, tập thể Tân Mai, (phố Nguyễn Chính, phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội) được nhiều người biết đến do khu nhà xuống cấp nghiêm trọng. Trong đó đáng kể nhất là vết nứt lớn khiến toàn bộ cầu thang tách hoàn toàn khỏi khối nhà. Tại đây, hiện đang có khoảng 50 hộ dân với hơn 200 nhân khẩu sinh sống.
Do khu tập thể xuống cấp, có thể đổ sập bất kỳ lúc nào khiến người dân sống trong tâm trạng lo lắng, bất an. Và để tự bảo vệ mình, cư dân sống tại đây thường xuyên phải gia cố lại nhà cửa, thậm chí trang bị thêm loa báo động để kịp thời sơ tán, giúp đỡ nhau khi có sự cố bất ngờ.
Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Quang Gắng – Tổ trưởng Tổ dân phố 20, phường Tân Mai cho biết, hiện nay công trình nhà A7 Tân Mai vẫn đang có hiện tượng tiếp tục xuống cấp và hư hỏng nặng. Do đó, khả năng chịu lực của một số bộ phận kết cấu không thể đáp ứng được yêu cầu sử dụng, xuất hiện tình trạng nguy hiểm cục bộ. Trong khi đó, khu vực cầu thang và phần mái là các bộ phận xuất hiện nhiều nguy hiểm nhất, có nguy cơ gây mất an toàn cho cư dân.
Ông Gắng cho rằng, trong kết luận thẩm định của Viện Khoa học công nghệ Xây dựng (Bộ Xây Dựng) năm 2016, công trình khu nhà A7 tập thể Tân Mai có mức độ nguy hiểm cấp độ C. Đồng thời ngôi nhà bị nghiêng 14 độ về phía sau và sang hướng Đông. Phần mái sau của ngôi nhà đã cũ, có nhiều khe nứt sâu gây ngấm dột.
“Để tự đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình, chúng tôi đã tự sắm một chiếc loa cầm tay để sử dụng. Chiếc loa tay sẽ được tôi sử dụng nếu có sự cố bất ngờ xảy ra vào mùa mưa bão, phòng khi có động đất để loan báo tới người dân trong khu tập thể, từ đó thoát khỏi khu vực nguy hiểm” – ông Gắng nói.
Bên cạnh chiếc loa cầm tay, người dân trong khu tập thể còn được những nhà hảo tâm tặng cho một chiếc loa kéo. Chiếc loa vừa để thông báo cũng như gửi một tấm lòng chia sẻ đối với cư dân khi mọi người vẫn đang phải sống trong khu tập thể xập xệ, ngày một xuống cấp.
Nói thêm về 2 chiếc loa, ông Gắng cho biết chiếc loa đã được ông và cư dân sử dụng nhiều lần khi mưa to, gió lớn. Khi tại những vị trí như khu tầng 5, cầu thang và khu tầng 1 bị thấm dột nặng, ông đã phải dùng loa thông báo kêu gọi mọi người cứu giúp, hỗ trợ những gia đình bị ảnh hưởng nặng nhất.
Dù chiếc loa được ông bảo quản, lau chùi thường xuyên và đặt ở những nơi thuận tiện, nhưng bản thân ông và mọi người mong muốn không phải sử dụng loa thêm một lần nào nữa.
Là cư dân sống tại khu tập thể, bà Phạm Thị Vọng, phòng 503 cho biết, do các hộ dân sinh sống tại đây rất khó khăn, chủ yếu sống nhờ vào đồng lương hưu nên việc đóng góp kinh phí để cải tạo, sửa chữa vượt quá khả năng kinh tế của mỗi nhà. Vào những ngày mưa gió, tất cả các hộ dân, nhất là các hộ ở tầng trên đều thấp thỏm lo sợ do tình trạng thấm dột của mái nhà, nứt vỡ khu vực hành lang.
“Biết là nguy hiểm nhưng do không có chỗ gửi xe nên chúng tôi đành phải liều chứ không còn cách nào khác. Chúng tôi mong muốn các ban ngành, UBND TP Hà Nội quan tâm xem xét sớm triển khai phương án đầu tư cải tạo chung cư cũ tại khu tập thể Tân Mai, trong đó có nhà A7” - bà Vọng chia sẻ.