Cho thuê bất hợp pháp, thu lợi hàng chục tỉ đồng
Các hạng mục bất động sản được Điện lực Hải Phòng cho thuê lại hầu hết đều nằm ở những vị trí đắc địa nhất thành phố Hải Phòng, ví dụ như các địa chỉ số 5 Lạch Tray, 205 Bạch Đằng, 56 Mê Linh, số 9 Trần Hưng Đạo…
Tại số 9 Trần Hưng Đạo (chỉ cách Nhà hát Lớn thành phố vài trăm mét) được cho 2 ngân hàng thuê lại với giá trị thu về rất lớn, đó là Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình thuê lại tổng diện tích gần 700m2 với hợp đồng 3 năm từ 2014 - 2017 giá trị hợp đồng là 4,7 tỉ đồng và 2,4 tỉ đồng; Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) chi nhánh Hải Phòng thuê hơn 500m2 với tổng giá trị hợp đồng gần 9 tỉ đồng (hiện đã thu 2,6 tỉ đồng) và hợp đồng có giá trị tới tận ngày 31.8.2020.
Cũng trên trục đường Trần Hưng Đạo, tại địa chỉ số 7B là Khách sạn Điện lực cũng cho nhiều công ty thuê sử dụng như Công ty Cổ phần địa ốc MB (giá trị hợp đồng là 8,6 tỉ đồng); Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ PVI Sunlife (giá trị hợp đồng 1,8 tỉ đồng); Chi nhánh Công ty liên danh PIL Việt Nam (giá trị hợp đồng là 644 triệu đồng).
Ngoài ra, hàng loạt trụ sở khác của Điện lực Hải Phòng như nhà làm việc cũ của Điện lực huyện An Lão, 249 Tôn Đức Thắng, khu nhà Điện lực Kiến An cũ, 32 Võ Thị Sáu, khu Liên cơ An Lạc, nhà làm việc cũ của Điện lực An Lão… cũng được Điện lực Hải Phòng cho nhiều tổ chức, cá nhân thuê lại từ hàng trăm triệu đồng cho tới cả tỉ đồng.
Trong đó cá biệt các trụ sở tại 32 Võ Thị Sáu, 205 Bạch Đằng, Khu Liên cơ An Lạc giá trị hợp đồng kéo dài tới tháng 9.2020 hoặc lâu nhất là tháng 10.2021.
Cấp trên chỉ đạo dừng 3 năm vẫn y nguyên
Trong một báo cáo tháng 12.2016 do đơn vị cấp dưới của Điện lực Hải Phòng thống kê bao gồm trụ sở điều hành của Công ty và 14 điện lực quận, huyện… đến giai đoạn năm 2012 hầu hết các điện lực quận, huyện đã được xây dựng tại vị trí mới, các vị trí cũ không sử dụng đến, nên đã cho các đơn vị, tổ chức thuê lại.
Tuy nhiên, việc Điện lực Hải Phòng cho thuê như vậy đã bị Tập đoàn Điện lực Việt Nam xác định là không đúng quy định và yêu cầu chấm dứt từ năm 2018, song tới nay Điện lực Hải Phòng vẫn chưa thực hiện.
Cụ thể, ngày 25.9.2018, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ban hành công văn số 4823/EVN-KH yêu cầu Tổng công ty Điện lực miền Bắc “rà soát, hoàn thiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của Tập đoàn trên địa bàn thành phố Hải Phòng theo đúng quy định…; chỉ đạo các đơn vị thành viên chấm dứt việc cho thuê nhà/đất sai quy định của pháp luật trên địa bàn các tỉnh/thành phố nói chung và trên địa bàn TP.Hải Phòng nói riêng”.
Mặc dù vậy, tới thời điểm hiện tại, hàng loạt các tài sản bất động sản của Điện lực Hải Phòng vẫn tiếp tục được cho thuê. Trước đó, tháng 12.2016, Tổng công ty Điện lực miền Bắc đã có văn bản 5255/EVNNPC-KH yêu cầu các đơn vị thành viên (trong đó có Điện lực Hải Phòng) “rà soát các cơ sở nhà, đất đang quản lý trên địa bàn. Trường hợp cho thuê, liên doanh, liên kết không đúng quy định phải chấm dứt trước ngày 31.12.2016”.
Câu hỏi đặt ra là, việc cho thuê trụ sở bất hợp pháp mà Điện lực Hải Phòng thu được hạch toán như thế nào? Việc này cần Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Truyền tải điện miền Bắc quyết liệt hơn trong công tác chỉ đạo và làm rõ.