Hà Nội sẽ là địa phương có tốc độ hồi phục nhanh nhất
Dịch COVID-19 đã tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản. Theo nghiên cứu của Batdongsan.com.vn, thời điểm khó khăn nhất của thị trường là giai đoạn tháng 7 và tháng 8 khi Chính phủ áp dụng giãn cách diện rộng.
"Bước sang tháng 9, những tín hiệu vui từ mục tiêu tiêm chủng vaccine cùng thông tin tái mở cửa nền kinh tế khiến cho thị trường BĐS tươi sáng lên - ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn, nói.
Nhận định về khả năng hồi phục của thị trường bất động sản thời gian tới, nhiều chuyên gia cho rằng, tốc độ hồi phục của thị trường nhà đất sẽ khác nhau tại các địa phương với khả năng phủ sóng vaccine.
Theo đó, nếu trong điều kiện kiểm soát thành công dịch bệnh, số lượng ca F0 không tăng thêm, độ phủ 2 mũi vaccine đạt 90% và tái mở cửa nền kinh tế cũng như phục hồi sản xuất thuận lợi trong quý IV/2021, TP.Hà Nội sẽ là địa phương có tốc độ phục hồi giao dịch và nguồn cung bất động sản nhanh và sớm nhất cả nước. Dự kiến trong khoảng cuối tháng 10 tới đây, mức độ quan tâm tìm kiếm nhà đất tại Hà Hội sẽ đạt mức 100% so với thời điểm trước dịch.
Tương tự, khi những điều kiện trên được đáp ứng, thị trường nhà đất miền Trung mà cụ thể là TP.Đà Nẵng có thể đạt khả năng phục hồi 100% nhu cầu giao dịch vào cuối năm 2021, chi tiết hơn sẽ là thời điểm tháng 12.
Với thị trường TP.HCM, dù suy giảm giao dịch nhà đất mạnh trong quý III vừa qua, TP.HCM vẫn là thị trường ghi nhận mức độ quan tâm tìm kiếm BĐS cao nhất cả nước. Trong bối cảnh hiện tại, TP.HCM cơ bản đã khống chế được dịch bệnh và phần nào hướng đến mục tiêu phủ 99% vaccine toàn dân. Nếu những thành quả chống dịch của thành phố được duy trì, việc mở cửa lại nền kinh tế thuận lợi, dự báo TP.HCM có thể phục hồi hoàn toàn nhu cầu giao dịch nhà đất trong thời điểm tháng 11.2021 tới đây.
Doanh nghiệp BĐS cần gì để hồi phục trong điều kiện mới?
Chia sẻ với PV Lao Động, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) -- cho rằng, mấu chốt để doanh nghiệp bất động sản có thể tháo gỡ khó khăn và phục hồi là việc được ngân hàng thương mại quan tâm xem xét tiếp tục cấp tín dụng, đảm bảo dòng tiền.
Theo ông Châu, ngành bất động sản đang đảm nhận hai vai trò vừa là đầu kéo, vừa là lực đẩy của nền kinh tế. Bất động sản đang đóng góp khoảng 11% GDP và có tác động đến hơn 200 ngành nghề khác nhau.
Tuy nhiên trên thực tế, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại vẫn coi hoạt động đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản là lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nên chưa xem xét giảm lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng. Thậm chí, kể cả việc vay tín dụng tiêu dùng để xây nhà, sửa chữa nhà, mua nhà cũng chưa được xem xét giải quyết.
Vì vậy, Hiệp hội Bất động sản TPHCM đã có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước về việc đề nghị hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản vượt qua khó khăn thông qua hoạt động khoanh nợ, giảm lãi suất.
HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi suất cho vay khoảng 2%/năm; cho phép khoanh nợ, giãn kỳ hạn trả nợ, không chuyển khoản nợ đáo hạn sang khoản nợ “xấu hơn” cho các khách hàng và quan trọng nhất là xem xét cho doanh nghiệp bất động sản, người vay tín dụng để xây nhà, sửa chữa nhà, mua nhà đủ điều kiện thì được tiếp cận các khoản vay tín dụng mới.