Theo đó, kì họp xem xét, quyết định và biểu quyết thông qua 12 nội dung quan trọng như: Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TP Hồ Chí Minh đoạn từ cầu Thủ Biên - sông Sài Gòn (giai đoạn 1) theo phương thức đối tác công tư (PPP); Quyết định sửa đổi, bổ sung Đề án "Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2025"...
Đáng chú ý, Kì họp đã thông qua nghị quyết phê duyệt Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng (tỉ lệ 1/2.000) Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III (giai đoạn 2) và Đồ án Quy hoạch xây dựng chung (tỉ lệ 1/5.000) Khu công nghiệp Cây Trường.
Khu công nghiệp VSIP 3 nằm trên địa bàn thuộc thành phố Tân Uyên và huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương có quy mô khoảng 1.000ha. Khu công nghiệp này ưu tiên thu hút các loại hình công nghiệp công nghệ cao, phát triển kinh tế xanh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, ít thâm dụng lao động.
Hiện khu công nghiệp này đã thu hút Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) đăng ký đầu tư hơn 1,3 tỉ USD, hiện đang xây dựng nhà máy chuyên về sản xuất đồ chơi xuất khẩu và Tập đoàn Pandora (Đan Mạch) đầu tư hơn 100 triệu USD xây dựng nhà máy gia công chế tác đồ trang sức cho nhu cầu của thị trường thế giới.
Kì vọng Khu công nghiệp VSIP 3 sẽ tạo ra việc làm thu hút 33.000-35.000 người lao động đến làm việc.
Trong khi đó, về quy hoạch xây dựng Khu công nghiệp Cây Trường rộng khoảng 700ha đóng trên địa bàn tại thị trấn Lai Uyên và xã Cây Trường II, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương. Khu công nghiệp này sẽ thu hút các dự án đầu tư có các ngành nghề theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Khu công nghiệp Cây Trường có quy mô lập quy hoạch 700ha, quy mô lao động khoảng 35.000 người.
Việc quy hoạch xây dựng 2 khu công nghiệp trên vừa đáp ứng nhu cầu thuê đất sạch để xây dựng nhà máy của những doanh nghiệp FDI mới. Bên cạnh đó, khi các nhà máy ngoài khu công nghiệp ở phía Nam tỉnh Bình Dương di dời vào khu công nghiệp cũng có sẵn hạ tầng để xây dựng nhà máy.