Tin vào mác đất “ngân hàng thanh lý” mất 850 triệu đồng
Anh Phạm Hồng Phát (SN 1986, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12) đọc được thông tin về công ty BĐS H.T.L.A cần bán thanh lý khu đất từ một ngân hàng với giá rẻ liền đăng ký mua. Nhân viên công ty H.T.L.A sau đó gọi điện lại tư vấn cho anh Phát, đây là khu đất do một chủ doanh nghiệp cầm cố vay ngân hàng, nhưng do mất khả năng chi trả nên ngân hàng đã giao cho công ty H.T.L.A bán thanh lý giá rẻ chỉ 1,8 tỉ đồng/100m2.
“Họ bảo tôi đặt cọc 150 triệu đồng rồi đưa đi xem đất. Họ dẫn tôi đến khu đất nằm trên đường Trịnh Thị Miếng, huyện Hóc Môn. Tôi thấy khu đất nằm trong khu dân cư, mặt đường mà giá chỉ 18 triệu đồng/m2 là quá rẻ so với giá thị trường. Họ nói, trong ngày ngân hàng chỉ mở bán thanh lý 15 lô giá rẻ như vậy, bảo tôi đặt cọc tiếp 200 triệu đồng để giữ đất nếu không người khác mua mất. Tin lời họ, tôi đã về văn phòng giao tiền và ký vào hợp đồng, khoảng 1 tuần sau nhân viên bảo tôi giao tiếp 500 triệu đồng để ký hợp đồng mua bán” - anh Phát nói.
Theo anh Phát, sau khi giao tiền cho nhân viên xong, thì nhân viên lấy lý do khu đất đấy đã được ngân hàng bán thanh lý hết và gợi ý anh Phát chuyển sang mua lô đất ở Đức Hòa (Long An) với giá chỉ 850 triệu đồng bằng với số tiền mà anh đã đóng. “Họ dẫn tôi xuống khu đất đấy xem, nhưng cơ sở hạ tầng chưa hoàn chỉnh, thấy khả năng sinh lời không có nên tôi đề nghị thanh lý hợp đồng và hoàn tiền lại cho tôi. Thế nhưng nhân viên công ty H.T.L.A cứ hứa đi hứa lại nhiều lần. Bức xúc cho kiểu làm ăn gian dối này, tôi và những người cùng mua đất tố cáo công ty này đến cơ quan chức năng” - anh Phát nói.
Vạch trần chiêu trò lừa dối của môi giới
Cũng với chiêu trò bán đất ngân hàng thanh lý, nhân viên môi giới của công ty địa ốc S.G đã đăng tin cần bán lô đất ngân hàng thanh lý 100m2 trên đường Phan Văn Hớn, quận 12 với giá chỉ 1,4 tỉ đồng.
Trong vai người mua đất, PV đã liên hệ và được nhân viên giới thiệu đến một khu đất trống nằm trên đường Dương Thị Giang, cắt đường Phan Văn Hớn, thuộc phường Tân Thới Nhất, quận 12. Tuy nhiên, qua quá trình điều tra, PV phát hiện ra khu đất này là của một cá nhân không có nhu cầu bán và chủ nhân cũng không cầm cố vay của ngân hàng nào. Việc đưa thông tin gian dối như vậy nhằm mục đích dụ khách hàng đặt cọc tiền, sau đó dẫn đi chào bán ở một khu đất khác cách xa TPHCM từ 30 - 50km.
Trong vai người có nhu cầu mua một miếng đất tầm 1,5 tỉ để xây nhà ở, PV được nhân viên công ty môi giới BĐS T.P. L (quận Gò Vấp, TPHCM) chào bán lô đất ngay chợ An Sương, trên danh nghĩa ngân hàng thanh lý nên mới có giá rẻ. Nhân viên này cho biết đất nằm ngay chợ An Sương, rộng 100m2 (5mx20m) chỉ có giá 1,4 tỉ đồng và công ty chỉ mở bán 10 lô, vì vậy cần phải đặt cọc tiền mua ngay nếu không người khác mua hết.
Quá trình tìm hiểu, PV phát hiện, lô đất mà nhân viên công ty T.P. L chào bán ở chợ An Sương, thực chất là đất dự án của công ty H.D.T.C. Nhân viên công ty T.P.L chỉ mượn danh nghĩa và hình ảnh của dự án này nhằm dụ khách hàng để bán đất tận Long An.
Trong khi đó, đại diện công ty BĐS H.D.T.C cho biết, họ rất bức xúc khi thời gian qua dự án của công ty đã bị một số đối tượng lợi dụng đăng lên mạng chào bán lừa tiền đặt cọc của nhiều người dân.
“Chúng tôi không có phối hợp với bất kỳ công ty BĐS nào cả. Chúng tôi cũng bác bỏ đây là dự án thanh lý của ngân hàng như các đối tượng đã thông tin. Thời gian qua đã có nhiều người dân đặt cọc tiền cho các đối tượng, rồi đến phản ánh với công ty chúng tôi. Chúng tôi đã đăng cảnh báo về vấn đề này và đã báo cáo đến các cơ quan chức năng để vào cuộc xử lý” - đại diện công ty BĐS H.D.T.C cho biết.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Phan Cường - Chủ tịch UBND phường Tân Hưng Thuận, quận 12 - cho biết, phường đã nhận được thông tin phản ánh về việc có nhiều đối tượng rao bán đất chợ An Sương hoặc đất dự án công viên trên địa bàn phường với giá rẻ theo kiểu ngân hàng thanh lý, nhưng thực chất đấy là lừa dối khách hàng. “Họ đăng tin rao bán đất giá rẻ ngân hàng thanh lý trên địa bàn phường Tân Hưng Thuận, nhưng thực chất là bán đất ở đâu chứ không phải bán ở đây. Đất ở địa bàn phường này không có giá rẻ 800 triệu đồng đến hơn 1 tỉ đồng/lô 100m2 được. Phường cũng giao công an theo dõi những đối tượng dẫn người dân đến tụ tập trên địa bàn phường để xem đất, theo kiểu bán đất “vịt trời” mà ngăn chặn kịp thời” - ông Cường nói.
* Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM: Hiệp hội đã đưa ra cảnh báo về các chiêu trò lừa bán đất nền do ngân hàng thanh lý, nhưng nhiều người dân vẫn cứ tin vào các đối tượng đăng thông tin này. Theo ông Châu, mặc dù chính quyền địa phương đã cấm biển cảnh báo ở những khu đất có dấu hiệu bán lừa đảo, nhưng nhiều người vẫn phớt lờ vì ham rẻ. Vì vậy, hiệp hội mong người dân cần cảnh giác cao độ với những chiêu trò lừa bán đất ngân hàng thanh lý, để tránh tiền mất mà đất thì không có.
* Bà Phạm Thị Hiếu - Giám đốc Sàn giao dịch BĐS quận 12 - khẳng định: Trong 15 năm làm nghề này, Cty bà chưa nhận được bất kỳ sản phẩm BĐS nào của ngân hàng nhờ gửi bán. “Tổ chức, cá nhân khi cầm cố BĐS tại ngân hàng nếu mất khả năng trả nợ thì ngân hàng sẽ tiến hành bán thanh lý thu hồi theo phương thức bán đấu giá công khai, chứ họ không có giao cho Cty BĐS bán theo kiểu riêng lẻ được” - bà Hiếu nói.