Dự án “Khu dịch vụ thương mại, văn phòng và dân cư thuộc khu đô thị Đông Hương, TP Thanh Hóa (gọi tắt là MB 3241) có vị trí “đất vàng” của TP. Thanh Hoá.
Dự án do UBND TP.Thanh Hoá làm chủ đầu tư. Từ năm 2013, sau khi giải phóng mặt bằng, UBND TP. Thanh Hoá đã ký hợp đồng xây dựng hạ tầng với TCty Đầu tư xây dựng Hoàng Long.
Năm 2018, UBND TP. Thanh Hoá đã tổ chức 2 cuộc đấu giá nhưng ngay sau đó đều bị cơ quan chức năng “tuýt còi” vì vi phạm quy định.
Ngày 26.9.2019, dự án được đưa ra đấu giá lần thứ ba. Có 13 Cty đủ điều kiện tham gia đấu giá khi đóng đủ số tiền 10% đặt trước là 66,6 tỉ đồng. Cuộc đấu giá diễn ra căng thẳng, kéo từ 8 giờ sáng ngày 26.9 đến gần 15 giờ cùng ngày thì kết thúc.
Sau 30 vòng đấu, Liên danh Cty cổ phần đầu tư và xây dựng ADI - Cty cổ phần Đông Sơn Thanh Hóa trúng đấu giá với số tiền 1.215.030.000.000 đồng (hơn một ngàn hai trăm mười lăm tỉ đồng) cho 57.928,24 m2, bao gồm 375 lô đất liền kề và biệt thự.
Như vậy, với giá khởi điểm là 666,4 tỉ đồng, đơn vị trúng đấu giá 1.215 tỉ đồng, cuộc đấu giá này đã tăng thu thêm cho ngân sách nhà nước là 548,6 tỉ đồng, lập kỷ lục ở Thanh Hoá, tạo ra mặt bằng giá mới, tạo cú hích cho sự tăng giá BĐS ở các dự án trên địa bàn.
Tuy nhiên do khó khăn bởi dịch COVID-19 và do mặt bằng chưa nghiệm thu nên đơn vị này mới nộp ngân sách 218 tỉ đồng, số còn phải nộp gần 1.000 tỉ đồng.
Về việc này, ngày 5.11, tại cuộc họp nghe báo cáo tình hình thu hồi ngân sách tại một số dự án còn nợ đọng tiền sử dụng đất, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thi chỉ đạo, yêu cầu nhà đầu tư nộp đủ tiền theo quy định vào ngân sách trước ngày 25.11.2020, nếu không sẽ huỷ kết quả trúng đấu giá, tổ chức đấu giá lại; nhà đầu tư không được tham gia đấu giá, đấu thầu các dự án có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Anh Tuấn - GĐ Cty CP Đông Sơn Thanh Hoá, Cty khi đã tham gia đấu giá là xác định nghĩa vụ tài chính của mình theo luật. Nhưng sau ngay khi vừa trúng đấu giá cuối năm 2019 thì đầu năm 2020 liên tiếp bị đình trệ bởi dịch COVID-19, phía ngân hàng đã ký nguyên tắc giải ngân cũng dừng lại.
"Dù vậy, Liên danh vẫn quyết tâm thực hiện dự án, chỉ đề xuất tỉnh nghiên cứu có cơ chế giãn, hoãn phần nào hoặc cho DN được thưc hiện từng phần dự án trong hoàn cảnh như vậy. So với hơn 1.200 tỉ đồng thì 218 tỉ đồng DN đã nộp chưa là bao . Nhưng với một DN tư nhân, bỏ ra chừng ấy tiền cho một dự án không phải nhỏ. Không có DN nào tự bỏ 100% tiền túi ra đi kinh doanh cả" - ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, DN đã ký hồ sơ trúng đấu giá là phải thực hiện theo luật, nhưng ngược lại, DN cũng đề nghị cơ quan chức năng xem xét lại mặt bằng thực tế. "Không thể lên phương án kinh doanh với mặt bằng chưa hoàn thành, chưa nghiệm thu, điện nước, hạ tầng chưa hoàn thiện được" - ông Tuấn nói.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND TP. Thanh Hoá và các bên kiểm tra, xác minh, kết luận về ý kiến của nhà đầu tư liên quan đến hiện trạng hạ tầng kỹ thuật của dự án xuống cấp, hư hỏng, chưa hoàn thiện so với quy hoạch chi tiết xây dựng, hồ sơ dự án và hồ sơ đấu giá được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời chỉ đạo UBND TP Thanh Hoá khẩn trương hoàn chỉnh, khắc phục các thiếu sót, hư hỏng so với quy hoạch, hồ sơ dự án…
Thực hiện chỉ đạo trên, ngày 17.11.2020, Sở Xây dựng Thanh Hoá đã chủ trì hội nghị với sự tham gia của các bên liên quan. Ông Lê Ngọc Thanh - PGĐ Sở Xây dựng chủ trì.
Các bên đã chỉ ra nhiều hạng mục dự án chưa hoàn thành hoặc xuống cấp, chưa đủ điều kiện theo quy định.
Hội nghị kết luận: Tại thời điểm dự án được đưa ra đấu giá (tháng 9.2019), công trình chưa hoàn thành. Cụ thể, hạ tầng kỹ thuật và tuyến đường kết nối thời điểm đó vẫn đang thi công.
Hiện tại, công trình đang trong thời gian thi công, do vậy chưa nghiệm thu hoàn thành công trình đưa vào sử dụng. Hội nghị đề nghị UBND TP. Thanh Hoá chỉ đạo các đơn vị liên quan khắc phục các hư hỏng, thiếu sót tại công trình, đồng thời hoàn thiện hồ sơ đánh giá tác động môi trường.