Bởi không chỉ mảnh đất ở Khu đô thị này mà ngay cả đất ở khu tái định cư cho KĐT Thủ Thiêm ở phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2 cũng từng xảy ra cuộc giành giật sống còn... Sự vụ này không nằm trong kết luận thanh tra, nhưng qua đó để thấu hơn bức xúc của người dân Thủ Thiêm.
Béo bở
Tháng 4.2000, Kiến trúc sư trưởng thành phố (nay là Sở quy hoạch Kiến trúc) có quyết định số 4585/KTS.T.QH về phê duyệt quy hoạch tỉ lệ 1/2000 khu dân cư 143ha (khu 1, 2, 3, 4, 5) phường Thạnh Mỹ Lợi (quận 2 TPHCM). Sau đó, năm 2003, 2004, UBND TPHCM ban hành nhiều quyết định giao hơn 80ha đất trong tổng diện tích trên cho Công ty Quản lý và phát triển nhà quận 2 (viết tắt Cty công ích quận 2) đầu tư.
Tuy nhiên, đây là dự án trên 2.500 căn nhà, Cty này không đủ năng lực tài chính theo quy định để được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho đầu tư.
Thế nhưng trước đó, năm 2002, UBND TPHCM bằng văn bản 2716 chấp thuận chủ trương cho Cty thực hiện hình thức hợp vốn đầu tư. Nên từ năm 2006-2007, Cty công ích quận 2 đã kêu gọi thu hút vốn được của nhiều doanh nghiệp (DN) địa ốc. Người dân Thủ Thiêm ví von rằng 1m2 đất nông nghiệp quận 2 được bồi thường chỉ bằng 3 tô phở. Trong khi đó, năm 2005, tính toán của Cty công ích quận 2 thì lợi nhuận “siêu khủng”.
Đơn cử, chỉ riêng với phần diện tích 7ha tính chia cho DN X (xin không nêu tên), tổng tiền đầu tư 10 hạng mục từ đền bù giải tỏa, xây nhà, dự phòng... chỉ hết gần 100 tỉ đồng/1ha. Khi đất thành phẩm thì mức giá kinh doanh của 13 năm trước theo giá nhà nước tạm tính cỡ… 250 tỉ đồng/ha, với 7ha sẽ đạt 1.750 tỉ đồng, gấp khoảng 2,5 lần so với khoản đầu tư ban đầu.
Đua nhau “dâng” tiền tỉ xin đất
Theo lời kêu gọi đầu tư, từ năm 2005, một Cty S (xin không nêu tên) đã đóng hơn 3 tỉ tiền thuế đất 7ha đất cho chủ đầu tư để thực hiện dự án, chưa nói các DN khác. Tới tháng 5.2010, Cty công ích quận 2 ký hợp đồng nguyên tắc với Cty S về hợp tác đầu tư khu dân cư số 2, 3, 4 thuộc dự án Thạnh Mỹ Lợi. Theo đó, Cty S phải có trách nhiệm đảm bảo nguồn vốn bồi thường giải tỏa… cho dân có đất bị giải tỏa ở đây.
Đùng một phát, chỉ 2 tháng sau, tháng 7.2010, chính quyền quận 2 lúc bấy giờ gửi văn bản tới UBND TP “xin” cho DN khác tham gia đầu tư dự án để “đẩy nhanh tiến độ” với “nhấn nhá” rằng, DN này sẽ ủng hộ UBND quận 2 số tiền tương đương 2 tỉ đồng/ha để đầu tư cho các công trình phúc lợi, xã hội, từ thiện và khoảng 1.000 tỉ đồng đầu tư một con đường theo hình thức BT. Đáng nói, văn bản trên là từ đề xuất tháng 6.2010 của Cty công ích quận 2, khi hợp đồng nguyên tắc với Cty S vừa được ký xong.
Đứng trước nguy cơ bị “hất cẳng”, Cty S đã gửi văn bản tới UBND quận 2 để “xin gặp và ủng hộ 20 tỉ đồng xây trường mẫu giáo”, nhưng theo tố cáo của Cty S thì “quận 2 không hề quan tâm”. Dự án vẫn ỳ ạch đến mức tháng 7.2012, UBND TP yêu cầu tới cuối năm 2012 phải tập trung giải phóng mặt bằng xong, nếu chậm trễ sẽ thu hồi.
Thay vì thực hiện lệnh trên, tháng 5.2013, Cty công ích quận 2 lại làm các nhà đầu tư cũ ngỡ ngàng khi gửi báo cáo 728 xin liên doanh với Cty địa ốc CT (xin không nêu tên) với tỉ lệ 80% (Cty CT) và 20% (Cty công ích quận 2). Ủng hộ đề xuất này, tại văn bản số 2235 ngày 1.7.2013 đề nghị UBND TPHCM chấp thuận cho liên doanh trên, chính quyền quận 2 lúc bấy giờ viện lý do “các Cty hợp vốn cũ gặp khó khăn tài chính nên không có khả năng hợp vốn tiếp tục thực hiện dự án theo đúng tiến độ”.
Bản chất của việc “hất cẳng”, theo tố cáo, do nguồn lợi “khủng” mà chủ đầu tư sẽ thu về. Điều đó thể hiện qua văn bản 2235 của UBND quận 2 với phân tích: Cty công ích quận 2 không đủ 20% vốn điều lệ của pháp nhân mới theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, Cty địa ốc CT sẽ giúp cho Cty công ích quận 2 có đủ 20% tổng vốn đầu tư dự án. Thậm chí, trong trường hợp tăng vốn, tăng chi phí thì Cty công ích quận 2 cũng không góp thêm tiền và vẫn được ấn định tỉ lệ góp vốn là 20% và được hưởng 20% lợi nhuận của dự án.
Tháng 10.2013, một số Cty đã phải ngồi lại với Cty địa ốc CT lập liên doanh góp vốn. Dù thỏa thuận nhưng Cty địa ốc CT bất ngờ “lật kèo”, chỉ ký chứ không chịu... đóng dấu. Tới tháng 3.2014, Cty công ích quận 2 chính thức muốn loại người cũ bằng báo cáo cho rằng việc Cty S xin góp ý kiến Đồ án quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000 là không có cơ sở và đề nghị UBND TP cho liên doanh với Cty địa ốc CT.
Năm 2016, UBND TPHCM hủy việc giao đất cho Cty công ích quận 2 thực hiện dự án. Sự vụ này không trong kết luận thanh tra nhưng nhìn “cuộc chiến” trên để hiểu sâu hơn sự bức xúc của người dân Thủ Thiêm khi bỗng nhiên mất đất.