Saudi Pro League (SPL) được thành lập từ năm 1976 nhưng phải đến 2007 mới chính thức được công nhận là chuyên nghiệp. Tuy nhiên, đến Hè 2022, giải đấu mới thật sự được nhiều người biết tới khi Ronaldo xuất hiện và đầu quân cho Al Nassr.
Trước đó, SPL chỉ bán được bản quyền ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi nhưng khi CR7 tới, giải đấu đã vươn xa về hình ảnh, thậm chí tại Việt Nam cũng có đơn vị mua bản quyền truyền hình những trận đấu có Al Nassr.
SPL đã công bố tầm nhìn chiến lược để vươn tầm trở thành 1 trong 10 giải đấu hay nhất thế giới. Sau đó đúng 1 ngày, họ chiêu mộ thành công Karim Benzema từ Real Madrid. Sau Benzema, một nhà vô địch thực sự khác là N'Golo Kante cũng gia nhập Al Ittihad.
Không phải ngẫu nhiên Ronaldo đến Al Nassr, Benzema gia nhập Al Ittihad và Al Hilal từng ngỏ lời muốn chiêu mộ Messi. Thái tử Saudi Arabia - Mohammed bin Salman từng trăn trở về sự không đồng đều của các câu lạc bộ.
Những trận có Ronaldo luôn đông nghẹt khán giả và ngược lại. Muốn giải đấu hay một cách tổng thể, đội nào cũng cần có những ngôi sao thượng thừa như thế.
Simon Chadwick - giáo sư thể thao và kinh tế địa chính trị của Trường Kinh doanh SKEMA chia sẻ, Saudi Arabia là quốc gia hâm mộ bóng đá hàng đầu thế giới.
Người hâm mộ luôn sẵn sàng chi tiền nhưng cần có sự thúc đẩy để họ làm điều đó. Thực tế cũng chỉ ra, số cổ động viên đến sân theo dõi các câu lạc bộ đã tăng từ 14% công suất lên trung bình 25% công suất trong 5 năm trở lại đây.
Saudi Arabia đặt ra mục tiêu thay đổi cơ cấu nền kinh tế đến tận năm 2100, mục đích giúp bộ máy công nghiệp không còn phụ thuộc vào dầu mỏ nữa. Thể thao là cách đầu tiên được nghĩ đến và cũng "dễ" để thực hiện nhất, chỉ cần rót thật nhiều tiền trong nhiều năm là đủ.
Một khi hệ sinh thái và tên tuổi giải đấu được nâng tầm, những lợi ích về kinh tế sẽ đến như bản quyền truyền hình, quảng cáo,... SPL được ví như một sự đầu tư của chính phủ quốc gia Trung Đông này.
Mục tiêu là vậy nhưng trong tương lai gần, theo Chadwick, SPL không thể thành công ngay được dù có mua bao nhiêu ngôi sao đi nữa. Lí do bởi xung quanh Saudi Arabia, các quốc gia Trung Đông khác hay thị trường rất lớn bên cạnh là Ấn Độ chưa thật sự coi bóng đá là môn thể thao số 1.
Điều này khác tại châu Âu khi hệ sinh thái của UEFA quá mạnh với các giải đấu châu lục, đi kèm mỗi giải vô địch quốc gia đều là hạt nhân vững vàng.
Trong tương lai xa, Saudi Arabia có thể thống trị bóng đá châu Á nhưng để đánh bại được các đội châu Âu hay Nam Mỹ, có lẽ phải tương lai xa nữa mới có câu trả lời.
Câu hỏi đặt ra lúc này, SPL liệu có giống giải vô địch Trung Quốc trước đây hay không? Giai đoạn 2015 - 2017 được coi là sự bùng nổ mạnh nhất của CSL khi họ đón hàng loạt ngôi sao châu Âu, điển hình là vụ Carlos Tevez đến Thần Hoa Thượng Hải. Hàng loạt ngôi sao khác cũng đến và nhận hàng đống tiền trước khi bong bóng vỡ vào năm 2017 khiến tất cả rời đi, có người đến giờ còn chưa nhận đủ lương trong hợp đồng đã ký.
Do đó, từ lúc Ronaldo đặt chân đến, SPL có khoảng 3 năm hoặc nhiều hơn để chứng minh họ có phải một bong bóng tài chính dễ vỡ như CSL hay không?
Nếu không vỡ vụn như giải Trung Quốc, liệu SPL có giống MLS của Mỹ không? Tại xứ sở cờ hoa, MLS có thương hiệu rất tốt, các đội kiếm được nhiều tiền và sống ổn nhưng chỉ gói gọn trong phạm vi quốc gia này.
Lí do bởi, hình ảnh thể thao của nước Mỹ vươn ra toàn cầu là bóng rổ, bóng bầu dục, bóng chày,... chứ không (hoặc chưa) phải bóng đá. Nếu chỉ đến được trạng thái này, mãi mãi các đội Saudi Arabia chỉ mua được những ngôi sao luống tuổi bởi không sao trẻ nào muốn vươn tầm thế giới lại đến một phạm vi bó hẹp như vậy để chơi bóng.
Đến năm 2040, khi Kylian Mbappe bước sang tuổi 41 và Erling Haaland chạm ngưỡng 39, nếu cặp đôi này lại đến Saudi Arabia theo cách như Ronaldo và Benzema đã làm, lúc đó có thể khẳng định SPL là mô hình thất bại. Còn lúc này, cứ chờ xem sao...