Manchester United vừa ghi nhận khoản lỗ ròng 115,5 triệu bảng sau khi công bố báo cáo tài chính năm ngoái, khiến tổng số nợ của câu lạc bộ giờ đã chạm ngưỡng 514,9 triệu bảng. Con số này được ban lãnh đạo câu lạc bộ tiết lộ vào cuộc họp hôm thứ Năm tuần này (giờ Anh) nhưng trên thực tế, nó đã được tính toán xong xuôi từ tháng 6 vừa qua.
Hè vừa qua, M.U mua 6 tân binh với tổng số tiền là 229 triệu bảng. Đây là số tiền chi cho một kì chuyển nhượng cao nhất trong lịch sử "Quỷ đỏ". Tuy nhiên, con số này không được tính vào báo cáo tài chính mới nhất, nó sẽ được công bố vào tổng nợ trong năm sau.
Điều này dẫn đến hệ lụy như Giám đốc bóng đá John Murtough mới chia sẻ, có thể trong tương lai gần, hầu bao của câu lạc bộ ở mỗi kì chuyển nhượng sẽ bị thắt chặt hơn. Dù báo cáo tài chính tính đến tháng 6.2022 nhưng từ cuối tháng 3, đã có điều khoản định rõ số tiền chuyển nhượng tối đa trong Hè vừa rồi chỉ là 122,2 triệu bảng. Erik ten Hag đã sử dụng 229 triệu bảng, đồng nghĩa việc tiêu hết số tiền của 2 phiên chuyển nhượng chỉ trong phiên chợ Hè 2022.
Tuy nhiên, trong buổi họp báo cáo tài chính vừa qua, Murtough chia sẻ, khoản tiền vừa qua chi cho chuyển nhượng như một sự đầu tư dài hơi cho đội bóng.
Doanh thu tổng của M.U trong báo cáo tài chính vừa qua tăng 18% so với cùng kì năm ngoái, đạt mức 583,2 triệu bảng (năm 2021 là 494,1 triệu bảng). Lý do chính dẫn đến con số này bởi người hâm mộ đã được trở lại sân sau khi COVID-19 được khống chế. Tuy nhiên, mức này vẫn chưa đủ khi M.U tính toán, họ vẫn thâm hụt khoảng 2 triệu bảng/tuần với tiền bán vé.
Một lý do nữa khiến mức lỗ ròng của M.U vừa rồi lên tới 115,5 triệu bảng bởi lần đầu tiên trong lịch sử, giá trị đồng Euro thấp hơn USD (1 Euro hiện chỉ bằng 0,98 USD). Cùng với đó, giá bảng Anh tăng trở lại khiến các khoản nợ của M.U cứ thế tăng lên do "Quỷ đỏ" vay tiền bằng USD.
Hàng năm, gia đình Glazer chỉ thu về khoảng 22 triệu bảng tiền cổ tức nhưng trong năm qua con số này là 33,6 triệu bảng. Hóa đơn tiền lương của đội bóng cũng tăng, chạm mức 384,2 triệu bảng (hơn 61,1 triệu bảng so với cùng kì năm ngoái), nhiều hơn bất cứ đội nào tại Premier League. Thêm vào đó, mùa vừa rồi, M.U đã tốn tới 24,7 triệu bảng để đền bù hợp đồng cho Ole Solskjaer và Ralf Rangnick.
Việc thâm hụt như hiện nay cũng đến từ lý do không có chuyến du đấu Hè vào năm 2021. Cliff Baty - Giám đốc tài chính của đội bóng chia sẻ, các chi phí gia tăng khiến mọi thứ trầm trọng hơn, đặc biệt với một đội ít tiêu tiền mặt như Manchester United.
Một vài tín hiệu tích cực hơn cho M.U trên mặt trận truyền thông và làm hình ảnh. Năm vừa qua, "Quỷ đỏ" đạt được khoảng 2,8 tỉ lượt tương tác trên các nền tảng số, tăng tới 72% so với năm 2020. Điều này giúp M.U trở thành đội bóng có tương tác mạng xã hội cao nhất thế giới năm 2021. Chưa hết, số lượt xem các video của M.U trên những nền tảng chính thống được thống kê là hơn 8,5 tỉ. Trong tương lai gần, những gì thuộc về hình ảnh của đội chủ sân Old Trafford trên nền tảng số có thể xâm nhập thị trường blockchain. Đội bóng đã kí hợp đồng tài trợ 3 năm với công ty Tezos, trị giá khoảng 60 triệu bảng.
Cũng giống nhiều đội bóng khác, Man United không thoát khỏi cảnh thâm hụt tài chính do các tác động của COVID-19 và sự thay đổi mệnh giá của các đồng tiền mạnh. Nên nhớ, dù chi tiêu nhiều và nợ nhiều nhưng mùa trước, M.U chỉ đứng thứ 6 tại Premier League và không được đá Champions League. Nếu Ten Hag không đưa được "Quỷ đỏ" trở lại đấu trường này, tình hình tài chính năm sau còn tệ hơn nữa.
Việc ồ ạt mua sắm trong Hè vừa qua như một canh bạc đúng nghĩa với ban lãnh đạo "Quỷ đỏ". Họ không thể không tin Ten Hag bởi nếu tiếp tục đứt gánh giữa đường với ông thầy người Hà Lan, đội bóng phải làm lại, biết bao nhiêu tiền và bao nhiêu nợ nữa sẽ được liệt kê?