Có ai chiến đấu vì UEFA...
European Super League phải ra thông báo "tạm dừng", sau khi 6 câu lạc bộ Anh rút lui khỏi dự án. Đến sáng 22.4 (giờ Việt Nam), Chủ tịch Florentino Perez tiết lộ chỉ còn Real Madrid và Barcelona vẫn giữ vững lập trường về giải đấu mới, bên cạnh Juventus và Milan vẫn chưa rời bỏ hoàn toàn.
Dù "ông trùm" ESL khẳng định dự án vẫn đang ở trạng thái chờ nhưng trong mắt nhiều người, nó đã "chết yểu" sau khi nhận đủ mọi chỉ trích từ giới chức, các huấn luyện viên, cầu thủ và người hâm mộ.
Nhưng UEFA hãy nhớ, tất cả chiến đấu với Super League vì "tình yêu với bóng đá", không phải vì Liên đoàn bóng đá Châu Âu.
Sir Alex Ferguson, David Beckham nhắc về giá trị truyền thống và tính cạnh tranh của bóng đá. Pep Guardiola đồng quan điểm và khẳng định ESL giống show giải trí thực tế của những ngôi sao hàng đầu hơn là bóng đá đúng nghĩa.
Perez chắc hẳn cũng đau đớn khi đối tượng công chúng "genZ" mà Super League nhắm tới là những người đi đầu trong công tác biểu tình chống đối giải. Ai cũng thích bóng đá đỉnh cao nhưng không cạnh tranh, không xuống hạng thì cũng không hấp dẫn.
Hơn nữa, giá trị truyền thống là điều cũng không thể bỏ. Ví như tại Premier League, Arsenal, Man United hay Liverpool đều xuất phát từ tầng lớp lao động, với khởi nguồn là công nhân đường sắt hay thợ thuyền. Bóng đá với họ là văn hóa, niềm tự hào đó không gì thay thế.
"UEFA khác gì, cũng chỉ nghĩ đến tiền"
Chia sẻ trên đài Cadena SER rạng sáng 22.4, Perez tiết lộ 12 câu lạc bộ sáng lập đã lỗ tới 600 triệu Euro mùa trước, con số hứa hẹn gấp đôi hoặc gấp ba ở mùa này. Khi thể thức Champions League hiện tại không hiệu quả, họ tìm đến nhau.
Super League giải quyết được bài toán "đá ít và có tiền tươi". Tạm gọi là mô hình kinh tế chia sẻ, các đội tự ăn chia lợi nhuận, dựa trên thành tích thi đấu, bản quyền truyền hình và danh tiếng. Hiểu đơn giản, các đội không muốn chờ đợi sự phân phối kinh tế từ UEFA và các Liên đoàn thành viên. Ở phương diện này, họ có lẽ mong chờ và đòi hỏi sự minh bạch còn hơn cả tiền.
Perez từng nói, thế giới biết lương của LeBron James (ngôi sao bóng rổ NBA) nhưng lại không biết thu nhập của Chủ tịch UEFA - Aleksander Ceferin là bao nhiêu. Thực tế, tiền thưởng Champions League từ lâu đã không đủ thỏa mãn các đội bóng lớn, khi đội vô địch C1 còn chưa bằng suất thăng hạng Premier League.
Một giải đấu danh giá nhất cấp câu lạc bộ Châu Âu không thể "bèo", vậy tiền đã đi đâu?
Minh bạch tài chính vẫn là góc tối lẩn khuất tại UEFA nhiều năm qua. Hàng loạt vụ bê bối của Michel Platini và Sepp Blatter đã khiến danh tiếng của UEFA và FIFA đi xuống nghiêm trọng, đánh mất lòng tin. Không ai muốn các Liên đoàn bóng đá mãi giữ thế độc quyền, các cầu thủ thành "robot" cứ mải mết đá mà không biết kiếm ra bao nhiêu tiền.
"UEFA nói rất nhiều nhưng không hề lắng nghe các đội bóng, các cầu thủ và huấn luyện viên. Thứ duy nhất họ quan tâm chỉ là tiền. Ngay ở La Liga, các cầu thủ của tôi có lúc phải ra sân vào 10h tối. Trước khi nghĩ về tương lai của bóng đá, hãy bảo vệ cầu thủ trước". Lời chỉ trích của huấn luyện viên Ronald Koeman (Barca) chính là tiếng lòng của giới cầm quân và cầu thủ.
Tạm kết và mối nguy
ESL có nhiều chỗ sai nhưng không hẳn không có mục đích đúng, nhất là việc mang về nguồn tiền cho câu lạc bộ và bảo vệ đôi chân cầu thủ. Song, những gì họ dự định khác xa với giá trị truyền thống của bóng đá.
Không mấy ai khen ngợi UEFA, đó là thực tế. Tuy nhiên, dù không hoàn hảo nhưng họ cũng đã giữ cho cán cân bóng đá Châu Âu vận hành tốt gần 30 năm qua. Có lý lẽ để họ thắng thế trong cuộc chiến quyền lực với Super League.
Tuy nhiên, chính UEFA phải cải tổ và minh bạch tài chính để đảm bảo tương lai, đó mới là cách tốt nhất để chấm dứt hoàn toàn các kết hoạch ESL trong tương lai.
Perez cũng đã nói, cả 12 câu lạc bộ thực chất chưa chính thức rời khỏi Super League, bởi không đội nào nộp tiền phạt để rút lui. Và kể cả trong trường hợp dự án này không thể thực hiện, một dự án khác quy mô hơn sẽ được triển khai.
Đây là cảnh báo mà cũng chính là thách thức với UEFA...