AFF Cup 2022 kết thúc với chức vô địch xứng đáng dành cho đội tuyển Thái Lan. Sau 2 lượt trận chung kết, đội bóng xứ Chùa vàng thắng tuyển Việt Nam chung cuộc 3-2 (hòa 2-2 tại sân Mỹ Đình và thắng 1-0 ở sân Thammasat).
Hành trình đến trận chung kết của đội tuyển Thái Lan không hoàn hảo như tuyển Việt Nam khi họ thua trận bán kết lượt đi trên sân Malaysia (trong khi tuyển Việt Nam không để thủng lưới lần nào trong 6 trận từ vòng bảng đến bán kết). Thế nhưng, cho đến khi kết thúc 2 trận chung kết, tất cả đều đồng ý rằng, màn trình diễn của các học trò huấn luyện viên Alexander Polking là thuyết phục.
Sự thuyết phục đến từ cách chơi, ý tưởng chơi và cả phong thái chơi của họ.
Nổi bật lên trong chiến thắng của đội tuyển Thái Lan là vai trò của Theerathon Bunmathan – cầu thủ ghi bàn duy nhất ở trận chung kết lượt về. Đó cũng là bàn thắng duy nhất của cầu thủ 32 tuổi này tại giải, nhưng cùng 6 pha kiến tạo hậu vệ đang khoác áo câu lạc bộ Buriram United “ẵm” luôn giải Cầu cầu thủ xuất sắc nhất.
Đội tuyển Thái Lan bảo vệ thành công chức vô địch và cũng là kỳ AFF Cup thứ hai liên tiếp, giải Cầu thủ xuất sắc nhất thuộc về một ngôi sao của họ. Chanathip Songkrasin được vinh danh ở AFF Cup 2020 vào cuối năm ngoái, với vai trò đầu tàu không thể phủ nhận.
Năm nay, tiền vệ 29 tuổi không tham dự vì chọn ở lại câu lạc bộ Kawasaki Frontale tại Nhật Bản. Tuy nhiên, Theerathon đã thay thế vai trò đội trưởng một cách hoàn hảo. Cầu thủ này thậm chí còn được kéo vào vị trí tiền vệ trung tâm thay vì đá hậu vệ cánh trái như sở trường.
Liệu có sự trùng hợp nào không khi 2 giải Cầu thủ xuất sắc nhất thuộc về 2 ngôi sao hàng đầu của bóng đá Thái Lan? Không có sự trùng hợp hay may mắn nào cả, bởi họ đã phát huy một cách xuất sắc những kinh nghiệm tích lũy được khi chơi bóng ở nước ngoài – cụ thể là Nhật Bản.
Trước khi trở lại Buriram từ đầu năm 2022, Theerathon có 3 năm chơi bóng ở J.League cho các câu lạc bộ Vissel Kobe và Yokohama F.Marinos. Với Chanathip, anh sang Nhật Bản từ năm 2017 và ngày càng khẳng định được vai trò.
Tất nhiên, bóng đá Thái Lan còn nhiều cầu thủ giỏi để tạo nên một tập thể mạnh, nhưng trong tập thể đó, điểm nhấn là Chanathip, là Theerathon, với những giá trị thực sự tích lũy được khi chơi bóng ở nước ngoài.
Rõ ràng, đây là vấn đề bóng đá Việt Nam nói chung và bản thân các cầu thủ nói riêng cần nhìn nhận, đánh giá một cách nghiêm túc để có hướng đi thích hợp cho những chuyến xuất ngoại.
Đến thời điểm này, số cầu thủ Việt Nam đã chơi bóng ở nước ngoài không ít, nhưng cộng tổng số trận đấu ra sân của họ có khi thậm chí còn không bằng số lần ra sân 1 mùa giải của Chanathip hay Theerathon tại Nhật Bản. Theerathon có 129 trận trong 3 năm ở Nhật Bản. Với Chanathip, số trận đấu của anh tại J.League tính đến thời điểm này là 145 trận.
Với các cầu thủ Việt Nam, những chuyến đi đến Châu Âu (Công Phượng đến Bỉ, Văn Hậu đến Hà Lan và Quang Hải ở Pháp hiện tại) đều bị đánh giá là quá sức. Thế nhưng, ngay cả khi một số cầu thủ chơi bóng ở Nhật Bản, Hàn Quốc và cả Thái Lan thì khi trở về đội tuyển quốc gia vẫn không cho thấy sự nổi bật hẳn lên.
Không thể nói Chanathip hay Theerathon có khởi đầu dễ dàng. Họ cũng gặp những khó khăn nhưng có thể cảm nhận rằng, bên cạnh sự kiên trì theo đuổi, khả năng hòa nhập và sẵn sàng thể hiện cá tính, phong cách của mình là tốt hơn hẳn so với 3 ngôi sao kể trên của bóng đá Việt Nam, cũng như Xuân Trường, Tuấn Anh.
Hiện tại, Công Phượng đã chọn trở lại Nhật Bản một lần nữa để bắt đầu lại. Hy vọng rằng, cựu cầu thủ của Hoàng Anh Gia Lai, cũng như các nhân tố sau này có kế hoạch xuất ngoại, sẽ đưa ra lựa chọn hợp lý và thể hiện mình một cách quyết tâm, bền bỉ hơn để mang lại cho đội tuyển những giá trị cần thiết khi hướng đến tham vọng World Cup.