Một câu chuyện buồn
Gần đây, trên facebook xuất hiện trào lưu ảnh chế “Đó là câu chuyện hơi buồn” về rất nhiều tình huống thú vị, hài và cả bi hài. Một câu hỏi “đi đâu đấy? và câu trả lời rất tự tin, thế nhưng khi quay về lại trong tình cảnh vừa đáng thương lại vừa mắc cười. Hot trend với quá nhiều tình huống, câu nói hài hước đôi khi ứng vào một số trường hợp rất thấm, và đau lẫn cay khóe mắt nữa…
“Đi đâu đấy? À, đi Châu Âu chơi bóng đây”. “Sao về rồi? Vẫn dự bị với ngồi khán đài hoài, lại về V.League nhà mình thôi…”. Một bức ảnh chế như thế, đúng và trúng lại quá hợp trend. Thế nhưng với phần đông ở bóng đá Việt, đó là nỗi buồn thật với một trong những ngôi sao sáng, tài năng được yêu mến, kỳ vọng nhất…
Những ngày cuối năm, Phượng vẫn ở trên đất Bỉ chờ đợi. Trận đấu cuối cùng là người của Sint-Truiden rồi chia tay để về ra mắt câu lạc bộ TPHCM, tiền đạo Việt Nam vẫn không có tên trong danh sách đăng ký. Không có hoa hồng, món quà hay lời cảm ơn, chỉ có một sự thật phũ phàng, với những phát ngôn từ phía đội bóng Bỉ...
Một trận giao hữu đá chính trước mùa giải mới 2019/2020, được vào sân thay người ở phút 70 trận đấu chính thức của Sint Truiden thua Brugge 0-6, thêm 1 trận cho đội đội hình 2 được tung vào sân trong hiệp 2. Tất cả chỉ gói gọn thế, và sau nửa mùa giải không có trong kế hoạch thì một lần nữa, Công Phượng phải chọn cách quay về V.League để chơi bóng.
Đó là lần xuất ngoại thứ 3 không thành công của tài năng lớn nhất mà Hoàng Anh Gia Lai sản sinh, trong 5 năm qua. Lần thứ nhất, ngày 23.12.2015 Phượng ký hợp đồng với Mito Hollyhock theo dạng cho mượn 1 năm đá J-League 2. Do dính chấn thương trong trận thua U.23 UAE 2-3 đúng ngày chia tay giải U.23 Châu Á 2016, việc sang Nhật bị ảnh hưởng. Và phải đến tận ngày 7.5.2016 mới được có lần đầu tiên ra mắt Hollyhock khi vào sân thay người ở phút 87. Được đăng ký dự bị 4 trận, 1 lần đá chính và cả mùa giải chỉ “tập chay”, hết J.League 2 năm 2016 tiền đạo này trở lại thi đấu cho Hoàng Anh Gia Lai.
Thất bại ở lần xuất ngoại đầu tiên với giải hạng Nhất Nhật Bản, bầu Đức lại đưa Công Phượng ra nước ngoài lần thứ hai, đá K.League đầu năm 2019. Gần 4 tháng ở Incheon United, đội bóng Hàn Quốc đồng ý kết thúc hợp đồng sớm theo nguyện vọng của Công Phượng. Về lại Việt Nam và lựa chọn tiếp theo là Châu Âu với Sint Truiden, sau 5 tháng mòn mỏi thì thêm một lần bản hợp đồng cho mượn 1 năm lại dang dở, quay về khoác áo TPHCM.
Một hành trình kỳ lạ với những vòng quay lặp lại, và Công Phượng vẫn phải quay về với nơi đã ra đi, khi V.League lại là “cứu cánh”…
Tiếc, xót và… mừng cho một tài năng
“Đây hoàn toàn là hợp đồng để đá bóng, không phải thương mại. Tôi có rất nhiều sự lựa chọn từ Bỉ, Pháp và 2 đội bóng ở Thái Lan, thế nhưng vì sao tôi chọn Sint Truiden của Bỉ? Vì tôi phải có sự lựa chọn môi trường và lương thưởng tốt nhất cho Công Phượng. Lương 1 tháng ở đây bằng lương cả năm của cầu thủ ở Việt Nam thì cớ sao không cho đi? Một Công Phượng đã bằng 12 người khác thì quá tốt rồi còn gì...”, Ngày “gả con gái” lần thứ hai cho Sint Truiden, bầu Đức phát biểu.
“Tôi đã tính ngay từ đầu, ra nước ngoài chơi bóng có lợi chứ không có hại. Thử nghĩ coi, Phượng lãnh lương tháng bằng 12 cầu thủ giỏi ở V.League thì đi tốt hay ở lại tốt?”. Ngày quyết định “giải thoát” cho cầu thủ con cưng bằng cách đưa từ Bỉ về TPHCM, bầu Đức chia sẻ.
Một cầu thủ là ngôi sao của bóng đá Việt Nam, được ông chủ của HAGL coi là “biểu tượng của CLB” và “bán bao nhiêu cho đủ, 10 triệu USD chăng?”, không cần ra sân thi đấu chỉ cần tập và nhận lương cao, có tiền là được. Ở khía cạnh này, quan điểm của bầu Đức cũng có phần đúng. Nhưng có đúng với Phượng không thì hậu phán xét, bởi Phượng nhận bao nhiêu tiền thì chỉ người trong cuộc biết. Như phí cho mượn ở cả thương vụ đi Incheon United, Sint Truiden cùng mức lương cao, Phượng có được nhận một phần và nhận trực tiếp hay không thì là bí mật.
Bỏ qua chuyện tiền bạc và cả chuyện không cạnh tranh được vị trí, bao ngày tháng “tập chay” không được thi đấu, đánh mất phong độ và có dấu hiệu thui chột về khả năng nên mất vị trí lẫn vị thế ki quay về ĐTQG, có một điều mà các đồng đội thân thiết của Phượng chia sẻ nhiều hơn cả với cầu thủ này… Đó là tự trọng, sự tổn thương của một cầu thủ, của dân bóng đá. Có tài năng, đã khẳng định được và có bao khát vọng, hoài bão lẫn cơ hội nhưng rồi thanh xuân với giai đoạn sung sức, nhiệt huyết nhất lại gắn với vị trí dự bị ở hết đội bóng này đến đội bóng khác, qua những lần xuất ngoại, nó là bi kịch.
“Tôi có rất nhiều vấn đề trong việc trao đổi với huấn luyện viên cũng như đồng đội. Không phải tôi không cố gắng, tôi đã cố hết sức để giành được vị trí nhưng không mang đến kết quả”, Teerasil Dangda khi chia tay Almeri về lại Thái Lan đã thú nhận. Mà tiền đạo ngôi sao của bóng đá Thái Lan có hành trang với sự chuẩn bị kỹ lưỡng khi qua Tây Ban Nha, do từng tham gia tập luyện cùng Atletico Madrid rồi Getafe, được sang Anh rèn luyện ở Man City, chơi bóng tại Thụy Sỹ.
Những hồi ức buồn cùng quãng thời gian đầy ám ảnh với Leixoes ở Bồ Đào Nha là thứ đáng quên chứ không phải tự hào, không có gì đáng để kể với Công Vinh. Cô độc, lạc lõng và có thể Công Phượng cũng đã, đang trải qua như thế, chỉ biết im lặng chấp nhận.
“Có cái thẻ, nếu muốn ăn gì, làm gì… thì quẹt. Đi đâu, chơi gì cứ gọi taxi, nhờ ghi sẵn địa chỉ rồi lên xe thôi”. Khi về tập trung ĐTQG, câu chuyện về cuộc sống khi sang Hàn Quốc đá bóng của Công Phượng, như các đồng đội xót xa, chỉ là thế. Chẳng ai muốn kể hay chia sẻ về đồng đội của mình, với những buổi tập nội bộ, đội hình chính phụ đối kháng theo đúng “phong cách Tây” khi tranh chấp là vào hết chân, một cầu thủ Việt Nam liên tục nhận những pha vào bóng “nhấc người” từ những đối thủ là đồng đội toàn cỡ trên 1m80 và to gấp đôi, có nằm sân thì cũng chẳng ai xin lỗi, đỡ dậy hay nói điều gì đó mà toàn quay đi đá tiếp.
Chia tay sớm Sint Truiden để quay về TPHCM, có thể coi là sự “giải thoát” với Công Phượng. 25 tuổi và vẫn còn cả tương lai phía trước, còn rất nhiều cơ hội đang chờ đón một trong những tài năng đặc biệt nhất bóng đá Việt Nam sản sinh ra, thế nên hãy cứ coi như những gì đã qua chỉ là những trải nghiệm để khép lại một câu chuyện hơi buồn...
Về TPHCM đá V.League và lại cầm bóng đột phá, nhảy múa qua người rồi ghi bàn..., rồi Phượng sẽ lại là ngôi sao và trở về với Công Phượng của ngày xưa thôi!