Tiếp cận một bản HĐ mà NLĐ cung cấp (bản này mới có chữ ký của NLĐ, chưa có dấu của Cty và chữ ký của người đại diện Cty), phóng viên nhận thấy bản HĐ này là “Hợp đồng dịch vụ cộng tác viên”. HĐ này không thể hiện là loại HĐLĐ gì, có thời hạn bao lâu. Trong khi đó, theo quy định của Bộ luật LĐ hiện hành, HĐLĐ phải được giao kết theo một trong các loại: HĐLĐ không xác định thời hạn; HĐLĐ xác định thời hạn; HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.
Khoản 3 Điều 22 của Bộ luật LĐ quy định, không được giao kết HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng để làm những công việc có tính chất thường xuyên từ 12 tháng trở lên. Trong khi đó, theo một nhân viên, hằng ngày (kể cả thứ bảy, chủ nhật), Cty sẽ đánh số để gọi lần lượt các caddy “đi sân” (trừ những caddy có khách “booking” - tức đặt riêng trước nhân viên caddy). Ngay cả khi không “đi sân”, họ vẫn phải có mặt tại sân golf để sẵn sàng phục vụ. Hơn nữa, công việc của caddy là thường xuyên, không phải chỉ một vài tháng là kết thúc. Nhiều nhân viên caddy cho biết, tuy làm việc nhiều năm, nhưng chỉ được ký HĐLĐ 1 năm 1 lần. Do vậy, trong trường hợp này, ký HĐ dịch vụ với các nhân viên caddy là không đúng với quy định của pháp luật.
Bên cạnh nội dung thiếu nhiều điều khoản theo quy định: Không có điều khoản về mức lương, không có thời hạn..., bản HĐ này lại có nhiều điều khoản “lạ” khác: Bên B (NLĐ) tình nguyện và tự chịu trách nhiệm về việc đóng các loại BHXH, BHYT theo quy định của pháp luật; khi hết thời hạn hợp đồng (nếu có) mà không được gia hạn thì sẽ chấm dứt HĐ. Ngoài ra, đọc kỹ bản HĐ, có thể thấy chủ yếu là trách nhiệm và nghĩa vụ của bên NLĐ mà thấy rất ít trách nhiệm và nghĩa vụ của chủ sử dụng LĐ.
Sẽ kiểm tra việc thực hiện pháp luật của Cty
Trao đổi với phóng viên về vụ việc tại Cty cổ phần sân golf Hà Nội, bà Đỗ Thị Hương - Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Sóc Sơn - cho biết, theo kế hoạch, ngày 19.5, đoàn công tác liên ngành của huyện sẽ đến Cty kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật LĐ của Cty.
“LĐLĐ huyện đã trao đổi với Ban GĐ Cty và được biết Cty đã đưa ra 2 hướng: Một là đóng BHXH cho NLĐ hoặc không đóng thì NLĐ tự quyết định. Nhưng theo đại diện Cty thì rất nhiều NLĐ không muốn tham gia BHXH” - bà Hương thông tin.
Ông Nguyễn Thế Linh - Phó Giám đốc BHXH huyện Sóc Sơn - cho biết, Cty có rất nhiều LĐ nhưng họ chỉ đóng BHXH cho 96 LĐ. “Hiện BHXH đang quản lý 96 người đóng BHXH và họ luôn đóng BHXH đầy đủ, không nợ, do vậy chúng tôi không có căn cứ để kiểm tra” - ông Linh cho biết.
Ông Linh cho biết thêm, vừa qua huyện đã có Quyết định số 2298/QĐ-UBND về việc thành lập đoàn kiểm tra thực hiện quy định pháp luật LĐ năm 2017 trên địa bàn huyện. Vì vậy, sau khi nhận được thông tin nhiều NLĐ không được tham gia BHXH tại Cty này, BHXH sẽ rà soát, kiểm tra để xác định rõ số LĐ không được tham gia BHXH có phải là đối tượng tham gia BHXH bắt buộc hay không. Ông Linh nói thêm, theo quy định của Luật BHXH, thì đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là NLĐ có HĐLĐ có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; vì vậy cần phải xác định rõ từ bảng lương, bảng chấm công xem số LĐ này thuộc đối tượng nào.
Trước thông tin Cty đưa ra 2 phương án đóng BHXH và không đóng để NLĐ lựa chọn, ông Linh cho biết, Nghị định 95/2013/NĐ-CP (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực LĐ, BHXH và đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng) quy định, nếu NLĐ và chủ sử dụng LĐ thoả thuận về việc trốn tham gia BHXH là vi phạm pháp luật. “Nếu DN không đóng BHXH cho NLĐ là vi phạm Luật BHXH. Trong tháng 5.2017 chúng tôi sẽ làm rõ vấn đề này” - ông Linh nói.