Con ông làm tặng cha một videoclip gồm các bức ảnh từ thời trẻ trên nền các bài hát ông yêu thích với hy vọng ông sẽ vui dù đang nằm liệt giường. Và đột nhiên trước mắt ông tối nay ký ức của những năm tháng kiêu hãnh vùn vụt lướt qua.
Đầu tiên là bài hát “Tiến về Hà Nội”, hình ảnh ông mặc áo đại cán chụp cùng những thanh niên tiếp quản thủ đô năm 1954. Rạng ngời vẻ tự tin, các nam nữ thanh niên trở về từ Chiến khu qua 5 cửa ô, mỗi người ôm ấp một giấc mơ cao cả… Ông mơ ước làm khoa học, con đường không dễ dàng cho một thanh niên xuất phát từ nông thôn, nhà nghèo với đàn em nheo nhóc.
“Lòng ta hằng mong muốn và ước mơ
Bàn tay son sắt giương cao ngọn cờ”
Bài hát Liên Xô “Thời thanh niên sôi nổi” vang lên minh họa cho những bức ảnh ông cùng các chàng trai cô gái ở một giảng đường Đại học Xôviết. Tất cả đều nao nức bởi khát vọng chinh phục vũ trụ, xây dựng những nhà máy thuỷ điện, những công trình đường sắt… Một vài cô gái Nga hình như đã thầm yêu chàng trai Việt có vầng trán vuông nghiêm nghị.
Hết năm học thứ nhất, tin dữ từ quê nhà dồn dập đến: Hai đứa con thơ ấu một gái, một trai ông rất mực yêu thương lần lượt lìa đời vì thủy đậu và sốt xuất huyết. Những đêm trắng huyền thoại của Lêningrad không còn vẻ lãng mạn. Ông đã thức trắng hàng tuần và chút nữa thì không hoàn thành luận án tốt nghiệp để về nước. Bệnh tật bắt đầu đi bên cuộc đời ông.
Đoạn clip tiếp theo mô tả một người đàn ông đứng bình thản bên đồng nghiệp và học trò ở một trường đại học Hà Nội. Đó là những năm tháng ông làm việc quên mình. Ở cương vị Tổ trưởng bộ môn và Bí thư chi bộ, ông nhiều lần bỏ qua các cơ hội nghiên cứu sinh phó tiến sĩ tại nước ngoài, nhường chỗ cho các đồng nghiệp .
Hơn 40 tuổi, ông còn một cơ hội cuối để bổ nhiệm vào vị trí cao hơn. Nhưng đúng lúc đó, đột nhiên căn bệnh cũ trở lại, ông bị cấp cứu. Một chuỗi ngày dài nằm viện bắt đầu.
Bài hát Liên Xô vẫn vang lên trong lúc y tá lấy ven truyền kháng sinh:
“Còn chân còn nhịp bước còn tiến lên
Còn đôi mắt sáng ta đâu chịu hèn”
Ông được động viên về mất sức, những bức ảnh của ông khi ấy trông còn tràn đầy sức lực. Nhưng một người đàn ông hơn 40 tuổi với chuyên ngành khoa học kỹ thuật có thể làm gì nếu không được tham gia các dự án, công trình nghiên cứu?
Ông nhận việc hằng ngày nấu cơm cho con ăn, đi thư viện mượn sách về cho con đọc, đều đặn mỗi tuần 3 lần. “Không thể sống mà không đọc sách” - ông thường bảo các con. Hằng ngày ông đọc báo, sinh hoạt chi bộ, tập dưỡng sinh. Vui lên, đi đây đó. Năm nào cũng ngần ấy thủ tục: Tổ chức giỗ tết, sinh nhật, đi lĩnh lương hưu, đi khám sức khoẻ…
Năm tháng cứ trôi đi như vậy cho đến năm thứ 83. Ông thốt lên: “Sống thật là chán”.
Bệnh tật nhanh chóng quay lại, tàn khốc hơn.
Cấp cứu. Thở ôxy. Đặt ống nội khí quản. Chụp chiếu, hút đờm, lấy ven, gây mê, mở nội khí quản…
“Ngực còn đập vang mãi nhịp trái tim
Đường xa ta còn đi tới cùng”
Bài hát vang lên trong căn phòng bệnh viện, lẫn với tiếng tít tít của máy đo nhịp tim. Ống dẫn thức ăn vẫn phải thọc qua đường mũi, bà giúp việc vẫn phải làm mọi việc cần làm cho một cơ thể không thể rời giường bệnh.
Nhưng hôm nay nét mặt ông thanh thản hơn và lần đầu tiên, thoáng có nụ cười. “Dù sương gió tuyết rơi, dù vắng ngôi sao giữa trời, Thì trái tim với tiếng ca, thúc ta nhịp chân lên đường xa”. Ngoài trời sương giá. Không biết ông có đi qua được mùa đông năm nay.