Tôi là một người đàn ông không thích bóng đá. Nói thẳng ra là, tôi ghét bóng đá. Bóng đá không chỉ khiến tôi cảm thấy mình lạc lõng, cô độc, còn khiến tôi thấy mình quê mùa, lạc hậu, “không bắt trend”. Khi World Cup diễn ra, cũng là khi cơn ác mộng của tôi bắt đầu.
Giờ đây, bất kể tôi đi đến đâu, làm gì, với ai, cũng nghe người ta nói về bóng đá. Tôi và hội bạn nhậu vẫn thường xuyên gặp nhau. Câu chuyện trên bàn nhậu của chúng tôi vốn dân dã, đậm chất đời sống, như chuyện xăng dầu, chuyện về mấy đồng nghiệp xấu tính, chuyện về những cô gái bốc lửa, hay chuyện vừa cãi nhau với vợ tối qua... Nhưng tất cả đã thay đổi khi World Cup diễn ra. Bữa nhậu của chúng tôi đã biến thành chương trình bình luận bóng đá.
Hội bạn nhậu có 7 thành viên, 6 thành viên còn lại ai cũng ra sức thể hiện là người có chuyên môn nhất để bình luận, đưa ra dự đoán về các trận đấu. Tôi không còn nhận ra những người bạn của mình. Họ đỏ mặt tía tai cãi nhau về phong độ thi đấu của Messi, họ bừng bừng khí thế khi nói về việc Argentina thua, hay đội Đức đang khiến cả thế giới bàng hoàng. Họ quên rằng, dù cả thế giới bàng hoàng, thì vẫn còn có tôi rất ghét bóng đá.
Tôi thực sự không quan tâm đến nỗi buồn của Messi, hay đội Đức có thể về nước từ vòng bảng. Khi 6 người bạn sôi sục bình luận, tôi cố chen vào mấy câu nhận định về giá xăng giảm nhiệt, về giá vàng, thị trường chứng khoán, về cả chuyện Nga – Ukraine... những đề tài mà chỉ một tuần trước, hội bạn sẽ hùa vào “comment”, thì nay họ như không nghe thấy gì.
Bữa nhậu trở nên tẻ ngắt khi tôi phải nghe về bóng đá như vịt nghe sấm. Đến công ty cũng không khá khẩm hơn, cả phòng tôi, cả ban, cả công ty đều nói về bóng đá. Không còn những buổi buôn chuyện, chém gió ở quán trà đá quen về mấy em gái xinh tươi mới về công ty, không còn ai hỏi tôi chuyện sửa nhà, hay mang bí mật công sở ra xì xào... Messi và các đồng đội đã chiếm sóng tất cả.
5h chiều, các ban nháo nhào rủ nhau về sớm, hoặc tụ họp lại cùng xem bóng đá qua máy tính, điện thoại. Tôi trở thành nhân viên mẫn cán một cách bất đắc dĩ.
Ngồi lướt mạng xã hội, tràn ngập khắp nơi là những “status” về bóng đá. Không ai còn quan tâm bóc phốt nhau, không còn chuyện “lòng xào dưa” hay đánh ghen, tố lừa đảo. Cả thế giới đã trở thành các chuyên gia bóng đá. Ai nấy đều tỏ ra “nguy hiểm”, thi nhau đăng ảnh cầu thủ kèm theo những nhận định mang tính tầm nhìn về các vòng đấu tới.
Tôi thấy mình như bị bỏ lại trên hoang mạc. Nếu tôi buột miệng nói ra mình không thích bóng đá, không quan tâm đến World Cup – tôi sợ rằng, đó sẽ là cú sốc lớn với bạn bè, đồng nghiệp.
Đến vợ tôi – một người phụ nữ vốn sống vô cùng đơn giản, mộc mạc, vốn chỉ thích nói chuyện về tiền và tra hỏi tôi để lương ở đâu – giờ đây cũng ngồi trước TV xem bóng đá để không bị lạc hậu. Dù cô ấy ngồi trước màn hình chỉ để khen cầu thủ này đẹp trai, cầu thủ kia có “body” cực phẩm, nhưng vẫn tự cho mình đang “bắt trend”, và chê bai tôi như một kẻ lập dị.
Khi nằm nghe tứ phía hàng xóm la hét suốt đêm đến rạng sáng, tôi chỉ có một ước ao, mong World Cup kết thúc.
Thế giới có 8 tỉ người, có thể 7 tỉ người đang xem bóng đá, còn lại 1 tỉ người sẽ giống như tôi – đang khốn khổ vì World Cup? Tôi không dám đưa ra con số chính xác. Chỉ biết khi World Cup diễn ra, mỗi ngày tôi gặp 10 người, cả 10 người đều nói về bóng đá.
World Cup đã làm cuộc sống của tôi đảo lộn. Thậm chí những ngày này ra đường, tôi không dám chào hỏi ai, vì sợ họ sẽ hỏi về bóng đá.
Tôi ước World Cup sớm diễn ra chung kết, nhanh chóng trao ngay cúp cho đội nào đó, để thế giới trở lại như cũ.
Tôi ước từng ngày cuộc sống của tôi về lại nề nếp, đi nhậu với hội bạn để nói về xăng dầu, chiến tranh, về cô gái bốc lửa... hoặc bất kỳ đề tài gì, kể cả chuyện cãi nhau với vợ hôm qua.
Có ai khổ vì World Cup như tôi?