Cách bảo quản thực phẩm tươi sống
Mưa bão chỉ kéo dài vài ngày, bạn không nên tích trữ quá nhiều, ảnh hưởng đến chất lượng của thực phẩm. Nên mua đa dạng các loại thịt, tôm, cá, trứng để bữa ăn phong phú.
Khi mua thực phẩm tươi sống về, rửa sạch, dùng giấy ăn thấm khô hết nước trên bề mặt thịt, cá. Sau đó, chia nhỏ thực phẩm theo định lượng phù hợp với từng bữa ăn gia đình, bảo quản trong các hộp nhỏ, để trong ngăn đá tủ lạnh, dùng dần.
Lưu ý, khi dự trữ thức ăn trong tủ lạnh, cần điều chỉnh nhiệt độ ở mức dưới 40°F để đảm bảo thực phẩm an toàn hơn khi sử dụng.
Những ngày mưa bão có thể xảy ra mất điện. Trong thời gian mất điện, cần hạn chế mở cửa tủ lạnh, để duy trì nhiệt độ lạnh.
Để rã đông thực phẩm đúng cách, bạn nên bỏ thực phẩm ra ngoài trước từ 2-3h, đặt trong ngăn mát để rã đông tự nhiên. Không nên ngâm nước, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm. Nếu không đủ thời gian đợi rã đông, có thể dùng cách cắt nhỏ khi thực phẩm còn đông lạnh và chế biến ngay.
Bảo quản thực phẩm khô
Nguyên tắc hàng đầu trong bảo quản thực phẩm khô là bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát và tùy từng loại thực phẩm mà cân nhắc có nên bảo quản trong ngăn mát hay ngăn đá của tủ lạnh.
Để bảo quản thực phẩm khô mùa mưa bão lâu bị ẩm mốc, dù là phơi hay đã sấy, phải để trong tủ lạnh (ngăn mát đựng rau quả), bao ngoài bằng lớp giấy báo hoặc giấy hút ẩm, kế đến là bao ni-lông cột chặt miệng lại. Bằng cách này, sản phẩm vẫn ngon và giữ được mùi vị đặc trưng trong vài tháng. Nếu thực phẩm đã bị nấm, mốc thì nên bỏ, không tiếp tục dùng vì trong thực phẩm mốc có chứa vi nấm có thể gây ung thư gan.
Đặc biệt, đối với những thực phẩm hải sản khô, sau khi mua về nên phơi lại 2-3 nắng cho thật khô. Nếu không ăn ngay mà cần bảo quản thì nên để vào lọ thủy tinh có nắp đậy hoặc gói kín bởi 2-3 lớp giấy báo, sau đó quấn bên ngoài một lượt ni-lông để ngăn mùi lan sang các loại thực phẩm khác rồi đặt lên ngăn đá tủ lạnh với nhiệt độ tốt nhất là -18⁰ C.
Để riêng thực phẩm sống và chín
Nguyên tắc để riêng thực phẩm sống và chín, đóng gói kỹ hoặc đựng trong hộp riêng từng loại thực phẩm và bảo quản trong tủ đựng thực phẩm, tủ lạnh, giúp ngăn các loại thực phẩm nhiễm khuẩn, hạn chế sự lây lan vi khuẩn tối đa, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giúp phòng tránh các bệnh về tiêu hóa như tiêu chảy, tả, kiết lị…