Chị kể: “Khi đó, anh đến phòng trọ của bạn tôi chơi. Nhiều lần, cả hai mến nhau rồi nảy sinh tình cảm. Quen nhau 5 tháng, tôi biết anh có một đời vợ đã ly dị. Tôi hơn anh 8 tuổi, nghĩ hoàn cảnh đều khó khăn, tôi không đòi hỏi đám cưới, mà dọn về sống với anh”. Chị nghe mẹ chồng nói rằng giấy kết hôn không quan trọng nên khi có con chung chỉ làm giấy khai sinh, nhập hộ khẩu để con đi học.
Bôn ba làm việc, chị tin rằng đã tìm được một tấm chồng nương tựa, nhưng dần dần anh bộc lộ tật xấu như cờ bạc, rượu chè, lười nhác.
Chị nhớ lại: “Trước đây, anh làm theo công trình, ngày làm ngày nghỉ, khá bấp bênh. 14 năm bên nhau, anh tự kiếm tự xài thỉnh thoảng phụ tôi việc nhà, đưa con đi học. Tôi cũng không đòi hỏi gì hơn ở chồng. Anh chưa làm gì có lỗi ngoài việc ăn nhậu, đá gà, tôi bỏ qua được hết, nhưng khi sinh con, anh ăn nhậu quậy phá đến mức tôi dọn về phòng trọ cũ để ở”.
Thời điểm chị phát hiện chồng có mối quan hệ khác, anh đi 4 đêm liền, chị gặng hỏi, anh bảo là đi đánh bài. Chị sinh nghi bởi biết anh không có tiền trong túi để cờ bạc. Đôi lúc, anh còn hỏi xin tiền của chị. Nếu không đưa, anh giận dỗi bỏ đi vài ngày.
“Điện thoại anh cứ giấu, không cho tôi biết mật khẩu. Đến một hôm, anh gọi một cô gái đến nhà chơi và xưng là chị em. Tôi nghĩ họ là bạn bè nhưng thực chất cô ấy đến tận nhà để thăm dò tình hình”, chị ấm ức kể.
Đều đặn 2 - 3 tuần, anh lại qua đêm một lần. Cô gái kia điện hàng chục cuộc vào máy của anh, nửa đêm hay sáng sớm cả hai đều lén lút nói chuyện. Anh liên tục chối, tuy nhiên một lần, cô gái ấy lấy máy của anh và gọi trực tiếp cho chị, trước sự chứng kiến của anh chị chồng.
“Tôi bắt máy thì nghe được lời lẽ thô tục, đầy thách thức của cô ta. Cô ta mạnh miệng nói là đang giật chồng tôi, thách tôi dám xuống nhà cô ấy", chị A kể lại.
Tình nghĩa vợ chồng nhiều năm, “đầu ấp tay gối” mỗi đêm, chị lo lắng cho anh mọi thứ, chị ấm ức hỏi vì sao anh nỡ nào đi quen người khác thì anh đáp lời bằng thái độ trơ tráo.
Cuộc hôn nhân “đi không đặng, ở chẳng đừng” khiến chị rơi vào bế tắc, vì thương con nên khó quyết định chấm dứt. Trong thời gian dịch, anh nói đã chia tay cô ấy nhưng có đêm cô ta dùng điện thoại của anh phá rối chị.
Tiến sĩ Tô Nhi A đặt trường hợp chị A dứt khoát hẳn với chồng, đẩy anh ấy ra khỏi cuộc đời là việc không khó bởi vì hai vợ chồng vẫn chưa làm giấy đăng ký kết hôn, không có danh nghĩa. Chị A cũng nhận thấy chồng không lo được kinh tế, không có tài sản nhưng nếu ly hôn chị phải đi xứ khác sinh sống, tránh anh làm phiền. Chị níu kéo chồng vì không muốn con cái tủi thân. Trong việc sinh hoạt vợ chồng, chị đã không còn hứng thú, chỉ không muốn làm anh phật lòng.
Tiến sĩ Tô Nhi đưa ra lời khuyên: “Về mặt pháp lý, hai người không có sự ràng buộc, anh không thể hiện trách nhiệm. Chị nặng lòng về chuyện con cái, bố mẹ ly hôn có thể để lại nhiều chấn thương tâm lí nhưng có điều đáng sợ hơn là các con phải chứng kiến đời sống hôn nhân tồi tệ của ba mẹ. Con sẽ học được gì từ một người cha không có vai trò kinh tế, sự chung vai gánh vác trách nhiệm gia đình, một người mặc nhiên qua lại với người phụ nữ khác.
Việc gắn bó với người đàn ông này không còn có lợi cho bản thân chị và con. Người đàn ông tử tế không bao giờ lợi dụng thân xác, tiền bạc của phụ nữ khác. Tôi hy vọng chị rời khỏi mối quan hệ này càng sớm càng tốt để chị kịp bình tĩnh, sắp xếp cuộc sống cho chị và con. Chị có thực sự mạnh mẽ, dứt khoát hay sự thỏa hiệp, mềm lòng, dây dưa, đó là sự lựa chọn của bản thân chị. Hãy mạnh mẽ để con sống cạnh một người tử tế, để con thấy rằng vẫn còn một giá trị tốt đẹp cho con noi theo”.