Mở rộng độ bao phủ Thoả ước lao động tập thể ngành
Đối với 9 chương trình, hoạt động trong nửa nhiệm kỳ qua, CĐDMVN đều đạt kết quả khả quan. Ở mỗi chương trình, hoạt động, CĐ DMVN đều phân tích kết quả, đưa ra giải pháp cụ thể. Trong đó, với TƯLĐTT, CĐDMVN đã tổ chức ký kết thành công 5 lần TƯLĐTT cấp ngành (lần đầu tiên vào năm 2010). Đến nay TƯLĐTT ngành đã hình thành chính sách khung trong hệ thống để các đơn vị tham gia thực hiện cũng như làm căn cứ xây dựng, điều chỉnh TƯLĐTT doanh nghiệp, tạo sự ổn định về chính sách và ràng buộc trách nhiệm của cả 2 bên trong quan hệ lao động. Với những doanh nghiệp chưa tham gia TƯLĐTT ngành, thì đây cũng là điều để doanh nghiệp tự nhìn nhận lại và cải thiện các chính sách nhằm nâng tính cạnh tranh của doanh nghiệp. TƯLĐTT ngành đã duy trì được việc thực hiện các chính sách khung của ngành đối với các đơn vị tham gia, nhất là 2 yếu tố sau: Thu nhập tối thiểu trong TƯLĐTT được mặc định tăng theo hệ số 1.14 khi Chính phủ điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng mà 2 bên không phải thương lượng lại. Điều khoản bảo đảm là các doanh nghiệp có chính sách cao hơn TƯLĐTT thì phải duy trì như chế độ của doanh nghiệp; các doanh nghiệp có chính sách thấp hơn TƯLĐTT thì phải điều chỉnh theo mức TƯLĐTT quy định; góp phần quan trọng cho quan hệ lao động của ngành được hài hòa, ổn định, tiến bộ. Theo CĐ DMVN, xu hướng là tiếp tục duy trì TƯLĐTT ngành, mở rộng độ bao phủ. Trong thời gian tới, có thể xem xét thương lượng, ký kết thêm TƯLĐTT nhóm trên cơ sở phân loại, phân nhóm doanh nghiệp có cùng lĩnh vực, quy mô, điều kiện, để các doanh nghiệp đều có thể cân nhắc tham gia vào nhóm nào phù hợp.
Lãnh đạo CĐDMVN cũng cho biết 100% các doanh nghiệp đều có TƯLĐTT. Về cơ bản, các đơn vị tham gia đều thực hiện đạt và vượt các chế độ chính sách quy định trong thỏa ước. Riêng nội dung mức ăn ca có một vài đơn vị chưa thực hiện được theo mức xây dựng cho từng vùng, tuy nhiên trên thực tế đơn vị có nguồn cung từ gốc cho tất cả các nguyên liệu của bữa ăn, và chịu toàn bộ các chi phí nhân công, chất đốt, có nguồn tăng gia cải thiện tại chỗ, do vậy bữa ăn nhìn chung vẫn đảm bảo định lượng. TƯLĐTT ngành đã hình thành chính sách khung trong hệ thống để các đơn vị tham gia thực hiện cũng như làm căn cứ xây dựng, điều chỉnh TƯLĐTT doanh nghiệp, tạo sự ổn định về chính sách và ràng buộc trách nhiệm của cả 2 bên trong quan hệ lao động.
Kiến nghị cho hình thành CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở
Chủ tịch CĐDMVN Lê Nho Thướng cho biết, hệ thống CĐ DMVN được thực hiện theo 2 cấp là CĐ ngành quản lý trực tiếp CĐCS. Trong số các CĐCS, có 10 đơn vị về chuyên môn hoạt động theo mô hình công ty mẹ/con với tổng số lao động trên 3.000 người/đơn vị; tại các đơn vị này, CĐ hoạt động theo 2 cấp CĐCS và CĐCS thành viên. 14 năm hoạt động theo mô hình CĐ ngành Trung ương, CĐ DMVN đã và đang khẳng định được vai trò quan trọng, đồng hành cùng Tập đoàn Dệt may Việt Nam và các doanh nghiệp.
Thực tế hoạt động cho thấy mô hình tổ chức theo 2 cấp hiện tại (CĐ ngành quản lý trực tiếp CĐCS) không phù hợp với thực tế ngành khi có các tổng công ty với số đoàn viên lớn (trên 10.000 đoàn viên) gồm các công ty thành viên nằm trên nhiều tỉnh, thành phố, nhưng lại không được đánh giá quá trình thí điểm CĐ ngành này để thuận tiện cho việc quản lý, tổ chức triển khai các hoạt động và theo dõi đôn đốc các nghĩa vụ. Việc phát triển CĐCS và đoàn viên cũng có khó khăn do dệt may là ngành thu nhập chưa cao, tỉ lệ biến động lao động lớn và có sự cạnh tranh về đoàn viên giữa CĐ ngành Trung ương và LĐLĐ địa phương.
Vì vậy, CĐDMVN đề nghị Tổng LĐLĐVN nên có tổng kết, đánh giá quá trình thí điểm CĐ ngành, không nên để việc thí điểm kéo dài quá lâu (đã 14 năm). CĐ theo mô hình ngành nghề là xu thế phù hợp với thế giới cũng như tính đáp ứng cao cho thực tiễn hoạt động. Khi các đơn vị có chung ngành nghề được sinh hoạt cùng nhau thì có thuận lợi lớn là cùng chung đặc điểm, điều kiện, yêu cầu hoạt động, dễ dàng tập hợp, đoàn kết để đưa ra nhiệm vụ cần tập trung, tiếng nói cần thống nhất, sức mạnh cần nhân rộng; từ đó có lợi thế trong khảo sát, xây dựng và vận động chính sách; tuyên truyền, phát động thi đua, thúc đẩy hoạt động CĐ và phong trào công nhân đáp ứng với mục tiêu phát triển của từng ngành kinh tế. Do đó CĐDMVN cũng đề nghị tiếp tục thực hiện mô hình CĐDMVN là CĐ ngành Trung ương.
Tại buổi làm việc một số vấn đề được trao đổi là chất lượng của TƯLĐTT; giá trị bữa ăn ca; cập nhật thông tin đoàn viên, công tác xây dựng CĐCS vững mạnh; thực hiện thu kinh phí CĐ qua 1 tài khoản; chăm lo LĐ nữ, nhà trẻ cho con CNLĐ; tăng cường phối hợp với LĐLĐ các địa phương để chia sẻ kinh nghiệm chăm lo cho NLĐ; đánh giá về tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, COVID-19; việc đổi mới công nghệ ngành Dệt may tác động đến việc làm của NLĐ...
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang ghi nhận và đánh giá cao kết quả nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XII CĐVN và Đại hội V CĐDMVN (giai đoạn 2018-2023) của CĐDMVN. Thời gian nửa nhiệm kỳ còn lại, Chủ tịch Nguyễn Đình Khang đề nghị CĐDMVN chú ý quan tâm đến ảnh hưởng của cuộc cách mạng 4.0; dịch bệnh, chiến tranh thương mại… đến đời sống, việc làm của NLĐ ngành dệt may; tập trung các chỉ tiêu, chương trình đã đặt ra trong Nghị quyết ĐH XII CĐVN, ĐH V CĐDMVN với sự phấn đấu cao nhất để quyết liệt thực hiện; thực hiện các chương trình của Tổng LĐLĐVN về Nghị quyết ĐH XIII của Đảng, Học tập làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị… Đối với mô hình tổ chức mà CĐDMVN kiến nghị thì CĐDMVN cần nghiên cứu, đánh giá, làm rõ những nội dung liên quan; xây dựng nội dung phối hợp với cơ quan chuyên môn, Đảng uỷ trong công tác và đặc biệt là công tác cán bộ; tác động của TƯLĐTT ngành; tuyên truyền, giáo dục kết nạp đoàn viên, thành lập CĐCS…