Năm 2016, Anphabe (đơn vị tư vấn về các giải pháp Nguồn nhân lực Hạnh phúc và Thương hiệu Nhà tuyển dụng) đã nhận đặt hàng tuyển dụng nhân sự cho Apple tại thị trường Việt Nam. Khi đó, đại diện Apple tại Singapore là đơn vị trực tiếp đưa ra đặt hàng với nhà tuyển dụng này.
Thời điểm này, Apple tuyển dụng vị trí duy nhất cho thị trường Việt Nam là Giám đốc phân phối với yêu cầu về xây dựng chiến lược, gia tăng được lượng doanh số bán hàng của iPhone và iPad.
Trao đổi về việc nhận đặt hàng tuyển dụng nhân sự cho Apple tại thời điểm này, Anphabe xin phép không chia sẻ vì cam kết bảo mật thông tin với khách hàng.
Bà Thanh Nguyễn - Giám đốc Điều hành và Truyền cảm hứng hạnh phúc Anphabe - đánh giá, các tập đoàn lớn không muốn quá tập trung chuỗi cung ứng vào một thị trường nào đó vì điều này sẽ tạo ra những rủi ro cho doanh nghiệp.
Bà Thanh Nguyễn lấy ví dụ: "Đơn cử như Trung Quốc, khi có một vấn đề về kinh tế, chính trị, xã hội,… đơn vị có nhiều tác động trên toàn cầu. Do vậy, nhiều năm trước chúng ta đã nghe đến chiến lược “Trung Quốc +1” của các Tập đoàn đa quốc gia".
"Đại dịch COVID-19 lần này đã khiến cho lo lắng này hiển thị rõ ràng hơn. Bởi tác động của COVID-19 xuất phát từ thị trường Trung Quốc sau đó lan tỏa ra toàn cầu, tạo ra những khó khăn chưa từng có tiền lệ. Tôi nghĩ mối lo ngại này không chỉ ở tầm công ty mà còn ở tầm quốc gia" - bà Thanh Nguyễn phân tích.
Theo vị này, không phải ngẫu nhiên mà chúng ta thấy các chính phủ các nước châu Âu, Mỹ tuyên bố phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu.
"Tôi nghĩ động thái của Apple sẽ mở đầu cho nhiều công ty tương tự" - bà Thanh Nguyễn nhấn mạnh.
Phân tích về lợi thế của nước ta, Giám đốc Điều hành và Truyền cảm hứng hạnh phúc Anphabe cho biết: "Về mặt vị trí địa lý, Việt Nam có sự ổn định về kinh tế, chính trị. Đây là lợi thế để Việt Nam trở thành điểm đến phù hợp".
Bên cạnh đó, Chính phủ đã có nhiều động thái cởi mở thu hút các nhà đầu tư đến Việt Nam như Samsung, LG, Bosch…
Theo bà Thanh Nguyễn, nhân sự Việt Nam cũng đang từng bước tiếp cận tốt những yêu cầu ngày càng khắc khe của thị trường quốc tế.
Người Việt Nam rất thông minh, chịu khó học hỏi và trải qua thời kỳ mở cửa mấy chục năm nên tích lũy rất nhiều kiến thức về chuyên môn cũng như kỹ năng quản lý.
"Trong đó có nhiều nguồn lực đã tiếp cận cơ hội học hỏi trong nước lẫn nước ngoài, nắm nhiều vị trí quan trọng tại các tập đoàn lớn. Vì thế, tôi nghĩ chúng ta hoàn toàn có thể tự tin để có thể đảm nhận những thách thức mới" - bà Thanh Nguyễn nói.
Ngoài ra, người Việt Nam còn có tính tuân thủ cao, một mặt khá nghiêm túc học hỏi những cái mới, đặc biệt là linh hoạt.
Cũng đánh giá về nguồn nhân lực Việt Nam, bà Nguyễn Phương Mai - Giám đốc điều hành Navigos Search (công ty tư vấn tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao tại Việt Nam) cũng cho rằng: "Có thể thấy Việt Nam đang ngày càng thu hút đầu tư trong thời gian qua, nên đây cũng là minh chứng cho khả năng đáp ứng của nhân sự Việt Nam vì ngày càng có nhiều nhà đầu tư đánh giá cao và tiến hành đầu tư vào Việt Nam"
"Do đó, chúng tôi lạc quan về khả năng đáp ứng của thị trường lao động Việt Nam với những nhu cầu và yêu cầu tuyển dụng từ các nhà đầu tư trên thế giới" - bà Mai nói.