Chủ hộ kinh doanh cá thể băn khoăn
Theo Bộ LĐTBXH, tính đến năm 2020, mới chỉ có gần 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, vẫn còn gần 32 triệu người trong lực lượng lao động trong độ tuổi lao động (khoảng 66,5%) chưa tham gia BHXH. Mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW là một thách thức rất lớn nếu không có những giải pháp căn bản về cả chính sách và công tác tổ chức thực hiện chính sách.
Để giải quyết vấn đề có thêm lực lượng lao động tham gia BHXH, Bộ LĐTBXH đề xuất bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với một số nhóm đối tượng có điều kiện và khả năng như chủ hộ kinh doanh cá thể; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương…
Liên quan đến đề xuất của Bộ LĐTBXH, trao đổi với phóng viên, anh Khuất Duy Hoàng, 43 tuổi, chủ hộ kinh doanh ăn uống tại 1A Đặng Thái Thân, Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết: Sẽ tham gia BHXH bắt buộc nếu các cơ quan chức năng có những quy định cụ thể về mức đóng, mức hưởng đối với hộ kinh doanh cá thể nhỏ.
“Theo tôi, cơ quan chức năng nên khảo sát kỹ về doanh thu của các hộ kinh doanh nhỏ lẻ để đưa ra mức đóng của chủ hộ. Tuy nhiên, việc này cũng rất khó, bởi kinh doanh mặt hàng ăn như tôi, doanh thu còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố như lượng khách, giá cả thực phẩm, nguyên phụ liệu. Đặc biệt còn phải chịu tác động của dịch bệnh, bão lũ… Ví dụ, như trong thời điểm vừa qua, để phòng, chống COVID-19, chúng tôi phải đóng cửa hàng thì lấy đâu ra tiền để đóng BHXH. Do đó, để đề xuất của Bộ LĐTBXH được áp dụng vào thực tế thì còn mất rất nhiều thời gian để xây dựng được các mức đóng, hưởng BHXH” - anh Hoàng có ý kiến.
Chị Dương Hoàng Thu, 41 tuổi, kinh doanh bánh kẹo tại khu vực chợ Đồng Xuân (Hà Nội) cho biết: “Theo đề xuất của Bộ LĐTBXH thì chủ hộ kinh doanh cá thể sẽ phải tham gia BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, hiện nay tôi chưa nắm rõ được mức đóng, hưởng nếu như mình tham gia BHXH bắt buộc là bao nhiêu? Tôi có được hỗ trợ gì không một khi tình hình kinh doanh ế ẩm do ảnh hưởng của dịch bệnh, thiên tai? Đặc biệt nếu tôi không tham gia gì có vi phạm pháp luật hay không? Những điều trên tôi cần được giải thích rõ để hiểu trước khi quyết định tham gia BHXH bắt buộc!”.
Chị Thu chia sẻ thêm, vừa qua chị cũng được tuyên truyền về BHXH xã hội tự nguyện và cũng đang cân nhắc tham gia loại hình BHXH này.
“Nếu tham gia BHXH tự nguyện thì tôi được hưởng các quyền lợi như hưởng lương hưu hằng tháng (nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi; đủ 20 năm đóng BHXH trở lên); được cấp thẻ BHYT miễn phí khi đang hưởng lương hưu, với mức hưởng BHYT tương ứng là 95% chi phí khám bệnh, chữa bệnh. Ngoài ra, người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hưởng BHXH một lần nếu thuộc đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu nhưng chưa đủ 20 năm đóng BHXH mà không tiếp tục tham gia BHXH; hoặc ra nước ngoài để định cư; sau một năm không tiếp tục đóng BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH khi có yêu cầu thì được nhận BHXH một lần… Một điều để tôi có thể tham gia BHXH tự nguyện thay cho BHXH bắt buộc là hiện nay tôi biết được là hằng tháng phải đóng bao nhiêu tiền, có thể đóng thành nhiều đợt, hoặc một lần” - chị Thu có ý kiến.
Đẩy mạnh biện pháp tuyên truyền
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Điều Bá Được - nguyên Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam - đồng tình với việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc theo đề xuất của Bộ LĐTBXH.
Ông Được cho rằng, để mở rộng vững chắc diện bao phủ về BHXH thì nên mở rộng đến toàn bộ người có quan hệ lao động (có thuê mướn, sử dụng và trả lương) không nên chỉ áp dụng đối với người lao động có hợp đồng lao động (HĐLĐ) từ đủ 1 tháng trở lên như quy định trong Luật BHXH hiện hành.
“Quan hệ lao động thực chất là mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động. Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, thị trường lao động có nhiều thay đổi hình thức hợp đồng lao động truyền thống đang có sự chuyển đổi sang các dạng thỏa thuận khác bằng văn bản hoặc không bằng văn bản nhưng vẫn mang bản chất là quan hệ lao động. Vì vậy, nếu cứ quy định cứng nhắc phải có HĐLĐ mới thuộc đối tượng bắt buộc tham gia BHXH sẽ không phát triển được số người tham gia, thậm chí số người tham gia BHXH bắt buộc sẽ giảm do họ không tiếp tục ký kết HĐLĐ mà chuyển sang các dạng thỏa thuận khác, ví dụ như hợp đồng kinh tế giữa các hãng xe công nghệ và lái xe” - ông Được phân tích.
“Trước đây, tôi cũng từng có đề xuất đối với người tự làm trong khu vực không có quan hệ lao động (tự sản xuất, kinh doanh không thuê mướn lao động và cũng không làm thuê cho chủ sử dụng lao động khác, chủ cửa hàng kinh doanh cá thể) có việc làm và thu nhập ổn định, đang chấp hành nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế thì bổ sung vào diện tham gia BHXH bắt buộc. Nếu được áp dụng thì số đối tượng này sẽ làm gia tăng diện bao phủ BHXH lên hàng triệu người” - ông Được cho biết.
Để có thêm đối tượng là những hộ kinh doanh cá thể, tự sản xuất… ông Được cho rằng các cơ quan chức năng phải có nhiều hình thức tuyên truyền như xây dựng các tiểu phẩm truyền thông về chính sách BHXH; sử dụng các công cụ mạng xã hội; ban hành những ấn phẩm, tờ rơi tuyên truyền về BHXH, dễ hiểu... Đặc biệt, phải xây dựng được mức đóng, hưởng của các chủ hộ kinh doanh cá thể (có thể dựa vào mức thu nhập trung bình hằng năm của họ - thông qua cơ quan thuế - để xây dựng tiêu chí) và tuyên truyền, giải thích rõ ràng để họ nắm, hiểu được chính sách BHXH. Ngoài ra, phải xây dựng được quy định để các hộ kinh doanh cá thể phải tham gia BHXH bắt buộc. Bởi, nếu tuyên truyền nhiều mà họ vẫn chưa tham gia thì phải có hình thức xử lý…