Xin ông cho biết tình hình nợ bảo hiểm xã hội trên địa bàn tỉnh An Giang hiện nay ra sao?
- Tính đến hết tháng 10.2022, tổng số nợ là 195 tỉ đồng, chiếm 5,51% so với số phải thu; tăng 1,12% so với cuối tháng trước, tăng 1,08% so với cùng kỳ năm trước và tăng hơn 2,33% so với chỉ tiêu giảm nợ quý IV/2022.
Trong đó, các doanh nghiệp nợ 150 tỉ đồng, tăng gần 30 tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước, các đơn vị hành chính nợ 4,5 tỉ đồng, giảm 2,5 tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước,... Điển hình là Công ty TNHH An Giang Samho nợ 33,4 tỉ đồng; Công ty TNHH May mặc Lu An nợ 3,5 tỉ đồng…
Tình trạng nợ bảo hiểm xã hội kéo dài của các doanh nghiệp hiện nay không chỉ gây khó khăn cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Được biết, hiện nhiều công nhân Công ty TNHH An Giang Samho nằm trong diện cắt, giảm hợp đồng lao động nhưng chưa thể chốt sổ bảo hiểm xã hội. Vậy, Bảo hiểm xã hội tỉnh có giải pháp cũng như kiến nghị gì để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động?
- Tại thời điểm 31.10.2022, Công ty TNHH An Giang Samho đang nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp số tiền 33,427 tỉ đồng, tương ứng thời gian nợ là 2,7 tháng. Điều này đã vi phạm các Điều 17 (Các hành vi bị nghiêm cấm); Điều 21 (Trách nhiệm của người sử dụng lao động); Điều 122 (Xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội) của Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13.
Đồng thời, tại Điều 5 của Luật Bảo hiểm xã hội cũng quy định: “Mức hưởng bảo hiểm xã hội được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng bảo hiểm xã hội và có chia sẻ giữa những người tham gia bảo hiểm xã hội”. Vì vậy, cơ quan bảo hiểm xã hội không có thẩm quyền cho phép Công ty TNHH An Giang Samho nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp. Vì điều này sẽ vi phạm pháp luật và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người lao động.
Tuy nhiên, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Bảo hiểm xã hội tỉnh An Giang căn cứ phương án cắt giảm lao động của Công ty TNHH An Giang Samho, hướng dẫn công ty tách đóng đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp cho những lao động nghỉ việc để chốt sổ Bảo hiểm xã hội và giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp kịp thời nhằm giảm khó khăn cho người lao động khi mất việc làm.
Làn sóng doanh nghiệp sắp xếp lại hoạt động sản xuất, cắt giảm lao động đang lan rộng, Bảo hiểm xã hội An Giang có phương án, giải pháp gì để hạn chế tối đa khả năng người lao động gặp khó vì không được chốt sổ bảo hiểm xã hội?
- Bảo hiểm xã hội tỉnh phối hợp với Sở LĐTBXH và LĐLĐ tỉnh An Giang rà soát các doanh nghiệp báo giảm nhiều lao động để thực hiện các phương án chi trả chế độ bảo hiểm và tham mưu các cơ quan quản lý nhà nước để có phương án hỗ trợ kịp thời. Đề nghị công ty phải có trách nhiệm đóng đầy đủ BHXH cho người lao động theo quy định Luật Bảo hiểm xã hội.
Ngoài ra, khi có dữ liệu về số lao động bị cắt giảm, cơ quan Bảo hiểm xã hội thực hiện chia sẻ với các tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê mướn lao động. Đồng thời tăng cường tuyên truyền để số lao động này tự tham gia bảo hiểm tự nguyện, bảo hiểm y tế.
- Xin cảm ơn ông.