Bà Hồ Thị Kim Ngân – Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Hưng Yên: Người lao động lại phải chờ
Hiện nay mức lương tối thiểu vùng (LTT) đang áp dụng tại Hưng Yên là vùng II, với mức là 3.320.000 đồng, sang năm 2018 là 3.530.000 đồng. Theo tôi, đối với NLĐ, lương tăng được đồng nào thì họ quý đồng đó! Nhưng tính về lâu dài, mỗi năm lại điều chỉnh một “chút” thì sẽ gây ra sự mệt mỏi của NLĐ và người sử dụng lao động. Bởi năm nào phía đại diện NLĐ và người sử dụng lao động cũng “giằng co”, trong khi đó LTT chưa theo kịp mức sống tối thiểu của NLĐ. Bởi theo tính toán của phía Tổng LĐLĐVN - đại diện cho NLĐ - nếu LTT tăng một lần 13,3% thì sẽ đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ. Do đó, theo tôi thà rằng tăng một lần để đạt được mức đó thì “đỡ” căng thẳng cho các bên. Nếu Hội đồng Tiền lương Quốc gia quyết tăng một lần mà đạt 13,3% thì có thể là động lực để NLĐ phấn khởi, tổ chức CĐ tăng cường sự đồng hành với DN giúp DN tăng trưởng mạnh mẽ.
Ông Nguyễn Tuấn Sơn - Trưởng ban Tuyên giáo LĐLĐ tỉnh Thái Nguyên: Giúp các doanh nghiệp thay đổi tư duy trong sản xuất kinh doanh
Hiện trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có khoảng 200.000 CNLĐ và phần lớn các DN đang trả lương cho NLĐ cao hơn mức LTT theo quy định, trong đó khoảng 50% đang làm việc tại Cty Samsung và các đơn vị phụ trợ với mức lương từ 7 triệu đồng/người/tháng trở lên. Việc tăng LTT vùng là một chủ trương đúng của Đảng và Nhà nước để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ và là động lực để họ tăng năng suất lao động. NLĐ được tăng LTT vùng, trước hết để họ ổn định cuộc sống, đặc biệt việc tăng LTT vùng để kiểm soát việc người sử dụng lao động chăm lo cho tương lai của NLĐ thông qua việc đóng BHXH. Đồng thời việc tăng lương cũng là cơ hội để người sử dụng lao động thay đổi tư duy SXKD, đầu tư trang thiết bị máy móc, đào tạo NLĐ để cạnh tranh về sản phẩm, hàng hoá.
Ông Nguyễn Văn Phê - Chủ tịch Công đoàn Cty TNHH Domex (KCX Linh Trung I, TPHCM): Tăng vậy thì đâu có ăn thua gì
Khi mọi chuyện đã quyết thì mình có đồng ý hay không đồng ý cũng vậy, tuy nhiên nó không được như kỳ vọng, mong muốn của chúng tôi. Tăng 6,5% tức là 230.000 đồng cho vùng I, mức LTT vùng mới là 3.980.000 đồng/tháng thì cũng đâu có ăn thua gì, không giải quyết được những bức bách của cuộc sống người lao động hiện nay, không đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của CNLĐ. Tuy nhiên, chúng tôi cũng cảm ơn Tổng LĐLĐVN đã rất cố gắng trong lần thương thảo này.
Công nhân Nguyễn Thị Bé Ba (KCN Tân Bình, TPHCM): Chờ vào sự thương thảo của công đoàn cơ sở với chủ doanh nghiệp
Mức tăng 6,5% khiến công nhân khá thất vọng vì mức lương 3.980.000 đồng/tháng không thể nào đáp ứng được nhu cầu sống của CNLĐ. Tuy nhiên vẫn còn một cơ hội nữa là kỳ thương thảo cuối cùng của CĐ Cty với ban giám đốc khi điều chỉnh lương cơ bản cho năm 2018. Hiện tại, Cty tôi đang áp dụng lương cơ bản là 4.000.000 đồng/người/tháng, chưa kể các khoản phụ cấp. Nếu chiếu theo mức điều chỉnh LTT thì mức lương cơ bản năm 2018 là 4.230.000 đồng, mức tăng này không đáng bao nhiêu so với vật giá bây giờ, tuy nhiên nếu CĐCS thương lượng tốt với chủ doanh nghiệp, chúng tôi hy vọng chủ doanh nghiệp sẽ điều chỉnh mức lương cơ bản tăng 500.000 đồng so với mức lương cũ.
Công nhân Lê Văn Dũng (Cty CP Xây dựng và quản lý Đường bộ 1 Lai Châu): Thấy buồn vì lương tối thiểu vùng năm 2018 chỉ tăng 6,5%
Đã đi làm việc thì NLĐ nào cũng quan tâm đến tiền lương, thu nhập của mình. Hiện nay, sau khi trừ tiền đóng BHXH, lương tôi cũng được khoảng 4 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, tôi phải nuôi 2 con (con trai chuẩn bị vào lớp 7, con gái vào lớp 3) nên hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn. Vợ tôi mất, nên cả 2 con tôi nhiều năm nay đều phải gửi nhờ ông bà nội (ở Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) chăm sóc và đưa đón đi học. Tôi đi làm xa quê, may được ở nhà tập thể của Cty nên không phải mất tiền thuê nhà. Tuy nhiên, để nuôi mình và các con, tôi phải chi tiêu rất dè sẻn. Cty tôi ở huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, thuộc vùng 4. Nghe tin Hội đồng Tiền lương Quốc gia chốt mức tăng LTT năm 2018 là 6,5%, tôi cảm thấy buồn, vì CNLĐ có mức thu nhập thấp như tôi thì cứ tăng thêm được đồng nào hay đồng ấy. Điều tôi mong muốn nữa là Nhà nước có các biện pháp để bình ổn giá cả chứ mức LTT tăng đã thấp mà giá cả các mặt hàng thiết yếu lại tăng nữa thì khó khăn cho NLĐ quá.
Công nhân Trần Quang Hải (Cty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội): 6,5% là mức tăng thấp
Cty tôi thuộc vùng I. Tổng thu nhập của tôi là 7-9 triệu đồng/tháng tùy theo tình hình sản xuất kinh doanh của Cty. Mức lương của tôi cứ tưởng là khá, nhưng thực ra chi tiền học cho 2 con trai (đứa lớn lớp 3, đứa nhỏ học mẫu giáo tư thục) mỗi tháng đã “ngốn” hết 6-7 triệu đồng, vì còn học thêm tiếng Anh, tin học. Nói chung kinh tế còn khó khăn lắm. Ở Hà Nội mà mỗi tháng tăng thêm vài trăm ngàn đồng là không thấm tháp gì. Chưa kể, nhiều khi lương tăng không đáng bao nhiêu nhưng giá cả lại tăng theo. Nhà nước cần có biện pháp tốt để bình ổn giá. Cá nhân tôi thấy mức tăng LTT vùng năm 2018 như thế là thấp, không như kỳ vọng.
Ông Hà Duy - công nhân Cty Lilama10 (Tổng Cty Lắp máy Việt Nam): Cần có chính sách kiểm soát thị trường hàng hoá
Hiện Cty tôi đang trả lương cho NLĐ gồm lương cơ bản cộng với lương năng suất thưởng thêm hằng tháng, như vậy thu nhập bình quân của tôi trên 6 triệu đồng/tháng. Tổng thu nhập của hai vợ chồng tôi khoảng 14 triệu đồng/tháng nhưng cũng chỉ đủ sống, vì hằng tháng phải chi phí tiền thuê nhà, tiền học cho hai con, điện nước… sau đó không còn tích luỹ. Do vậy việc Hội đồng Tiền lương Quốc gia thông qua việc tăng LTT thêm 6,5% thì vẫn còn tương đối thấp, chưa có ảnh hưởng tích cực lắm tới đời sống NLĐ. Mặt khác, cùng với việc tăng lương vùng cũng cần phải có chính sách kiểm soát thị trường để bình ổn giá vì cứ sau mỗi đợt tăng lương thì giá cả dịch vụ, hàng hóa sẽ tăng theo và như vậy thì đời sống NLĐ vẫn không được cải thiện.
Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội các Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP.Hà Nội: Mức tăng lương 6-7% là hợp lý
Mức tăng lương tối thiểu (LTT) vùng trong tỉ lệ 6-7% là hợp lý, bởi lẽ: Nâng LTT liên tục và ở mức cao, gắn với các khoản trích nộp theo lương cao hơn sẽ làm giảm lợi nhuận của DN và giảm nguồn thu trực tiếp từ thuế thu nhập DN. Tác động gián tiếp là các DN trong nước không có khả năng đầu tư mở rộng sản xuất tạo việc làm, tuyển dụng lao động để góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài với ưu thế về vốn, công nghệ, quản lý sẽ dần lấn át các DN trong nước và tận dụng những lợi thế mà các Hiệp định Tự do thương mại mang lại. Không phải ngẫu nhiên mà hầu như tất cả các DN lớn và mạnh của ngành dệt may như Việt Tiến, Nhà Bè, Phong Phú, Việt Thắng, Đồng Nai, May 10, May Sông Hồng, May Hưng Yên đều đề nghị chỉ tăng LTT ở mức 6-7%.
Ông Nguyễn Khắc Thảo – Tổng Giám đốc Cty CP tập đoàn Dabaco Việt Nam: Chúng tôi cũng mong muốn người lao động có nhiều thu nhập
Để trả lương cho người lao động (NLĐ), DN phải làm ra sản phẩm, tiêu thụ được mới có kinh phí trả lương cho lao động, khác với công chức “cứ đến tháng là nhận lương”. Hiện nay DN đang phải đóng BHXH cho NLĐ, nếu mức tăng lương cao quá khả năng của DN sẽ rất khó khăn cho DN. Chúng tôi thấy rằng cần tăng lương cho NLĐ, chúng tôi cũng mong muốn NLĐ có nhiều thu nhập, nhưng do điều kiện kinh tế xã hội chưa cho phép tăng thật cao theo ý muốn. Lương tăng lên nhưng năng suất lao động phải tăng lên. Tôi cho rằng, ở mức tăng 6,5-7% là phù hợp.
Ông Đoàn Trọng Lý – Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Cty CP Chăn nuôi chế biến và Xuất nhập khẩu (Aprocimex): Tăng lương ở mức 6,5% đảm bảo lợi ích của cả DN và người lao động
Theo tôi, ở mức tăng lương 6,5% có thể hỗ trợ DN “trụ” được trong điều kiện hết sức khó khăn hiện nay. Việc tăng lương ở mức hợp lý đã giải quyết được 2 phương diện: Quyền lợi của NLĐ và quyền lợi của DN. Phải coi 2 quyền lợi này như một. Vì nếu DN thoát khỏi được những khó khăn, làm ăn phát đạt thì trong tương lai có thể tăng lương cho NLĐ từ 10-20%. Còn trong bối cảnh hiện tại thì mức tăng 6,5% là vừa, dựa theo thực lực của DN.