Như vậy, so với mức đề xuất ban đầu tại 2 cuộc họp đã diễn ra, cả Phòng VCCI và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đều có sự điều chỉnh, thể hiện thiện chí để đi đến tiếng nói chung. “Tại cuộc họp lần 3, sau nhiều tranh luận của các bên, chúng tôi đã tìm ra sự thống nhất mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 là 6,5%. Đây là kết quả của cuộc bỏ phiếu của Hội đồng tiền lương Quốc gia. Căn cứ vào mức đề xuất này, Hội đồng sẽ làm báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét và ban hành Nghị định tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 thời gian tới” - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia Doãn Mậu Diệp nói.
Sáng nay, trước khi phiên họp cuối cùng diễn ra, ông Diệp cho biết, các thành viên đều hy vọng sẽ đi tới kết quả chung cuối cùng. Hai phiên vừa qua thể hiện thiện chí của các bên và việc chênh lệch về mức đề xuất là điều bình thường. Khi thương lượng và tới điểm chung, các bên đều có quyền đưa ra ý kiến của mình.
Cũng theo ông Diệp, căn cứ chỉ số lạm phát, tốc độ phát triển của doanh nghiệp nên từ phương án ban đầu chênh 8%, trước phiên cuối cùng mức chênh thu hẹp còn 3%. Nói về mức sống tối thiểu, ông Doãn Mậu Diệp cho rằng, việc xác định mức sống tối thiểu cần dựa trên nhu cầu lương thực thực phẩm và phi lương thực thực phẩm và hai bên đều có phương án tính toán về mức sống tối thiểu riêng của mình.
Trước đó, sau quá trình thương lượng, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã thống nhất hai phương án để các thành viên của Hội đồng tiến hành bỏ phiếu: 6,5% và 7%.
Mức tăng 6,5% tương đương với vùng I tăng 230.000 đồng; vùng II tăng 210.000 đồng; vùng III 190.000 đồng; vùng IV 180.000 đồng so với năm 2017.
Mức tăng theo đề xuất của Tổng LĐLĐVN 7% tương đương với mức tăng từ vùng I đến vùng IV là: 250.000 đồng; 220.000 đồng; 200.000 đồng.