Công nhân tăng ca, nhận hàng về nhà làm thêm
Cho đến nay, đã có trên 85% công ty trong khu công nghiệp tại Bình Dương đã hoạt động trở lại sau đợt dịch thứ 4. Doanh nghiệp đang tăng tốc sản xuất kịp đơn hàng và bù những tháng gián đoạn do dịch COVID-19. Trong các nhà máy, không khí sản xuất hối hả, doanh nghiệp và người lao động đều mong dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn để hoạt động ổn định giai đoạn giáp Tết.
TP.Thuận An là địa phương ở Bình Dương chịu ảnh hưởng nặng của đợt dịch bệnh lần thứ 4, đến nay các doanh nghiệp đã nhanh chóng nối lại sản xuất và xuất khẩu hàng hóa. Hầu hết công nhân lao động đã đi làm trở lại.
Anh Huỳnh Chương (32 tuổi, quê Sóc Trăng) và vợ là chị Triệu Thị Chầu (33 tuổi, quê Bắc Kạn cùng làm công nhân ở Công ty TNHH TM Giày da Giang Phạm, thành phố Thuận An) cho biết, vợ chồng bị mắc COVID-19, phải nghỉ một thời gian nhưng đã khỏi bệnh và đi làm được 2 tháng nay. “Công ty hoạt động ổn định lại rồi, tụi mình đã đi làm. Bây giờ chỉ mong dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn để công nhân an tâm sản xuất” - anh Chương bày tỏ mong muốn.
Ngoài làm ở công ty, vợ chồng anh Chương còn mang theo nguyên vật liệu về nhà trọ làm thêm buổi tối. Anh Chương cho biết, buổi tối ở nhà trọ rảnh rỗi, nên nhận hàng về làm thêm. Mỗi đêm vợ chồng kiếm thêm được từ 60.000-100.000 đồng. Số tiền này cũng đủ để trang trải đóng tiền trọ, điện nước, đỡ một phần chi phí.
“Có việc làm thêm như vậy là may mắn rồi. Hôm nào 2 vợ chồng cũng cố gắng làm tới 22h mới đi nghỉ” - anh Chương chia sẻ.
Làm việc trong một công ty điện tử ở KCN VSIP II (TP.Thủ Dầu Một), chị Lê Thị Lam (37 tuổi, quê Thanh Hóa) cho hay, thời gian gần đây công ty có thêm đơn hàng nên hoạt động cũng ổn định và mỗi ngày chị được tăng ca thêm 1,5 giờ.
“Năm nay dịch bệnh, đời sống khó khăn nên được tăng ca công nhân ai cũng mừng. Có thêm thu nhập để đóng tiền trọ, lo ăn uống cho con cái” - anh Lam bày tỏ.
Trong khi đó, tại thị xã Bến Cát ở một số công ty may, công nhân làm không hết việc. Theo chị Đoàn Thị Hương (34 tuổi, quê Hòa Bình): “Khi dịch bệnh xảy ra, cả 2 vợ chồng phải ở nhà trọ phòng dịch suốt hơn 3 tháng, không có thu nhập. Gia đình tích lũy được một ít tiền để dành lo cho con và về Tết thì đã phải lấy ra để trang trải. Đến nay, dịch được kiểm soát, đi làm trở lại, có hôm tăng ca đến 20h mới về. Làm việc thời gian dài trong ngày rất mệt nhưng ai cũng phấn khởi, vì có việc làm, có thêm thu nhập để lo cho gia đình”.
Mong được lương tháng 13
Cho đến nay, nhắc chuyện thưởng Tết và về quê, công nhân ở Bình Dương đều tỏ ra lo lắng.
“Tết được thưởng và được về quê là mong muốn nhất của những công nhân. Mình hy vọng lắm, nhưng do có 2 con nhỏ đã 4 năm rồi chưa được ăn Tết ở quê. Năm nay không còn tiền tích trữ nên chắc không thể về. Dù biết công ty gặp nhiều khó khăn nhưng cũng mong ban giám đốc thu xếp để công nhân có được lương tháng 13. Vì có thêm tháng lương này thì công nhân mới tiền để sắm ít quần áo mới, đồ ăn ngon ngon cho con cái. Còn nếu không có thì Tết cũng như những ngày thường thôi” - chị Hương chia sẻ.
Cùng chung hy vọng này, anh Huỳnh Chương chia sẻ: “Làm việc vất vả cả năm, lương tháng 13 là nguồn động viên rất lớn với công nhân chúng tôi. Năm nay dịch bệnh công việc và thu nhập bị gián đoạn nên công nhân vừa hy vọng vừa phập phồng lo lắng. Vợ chồng tôi xa quê, xa con nhỏ đã gần 1 năm rồi, chỉ mong có thêm khoản thu nhập từ lương tháng 13 để có ít tiền về gửi tiền nuôi con và biếu ông bà một ít”.
Trong khi đó, chị Lê Thị Lam cũng mong muốn được thưởng Tết để có chi phí lo cho con cái ăn học.
“Công nhân ai cũng mong được thưởng Tết. Năm ngoái công ty cho lương tháng 13 và thưởng năng suất, thâm niên làm việc. Năm nay mong sao công ty sẽ giữ nguyên chế độ để công nhân chúng tôi có thêm phần thu nhập trang trải dịp Tết và lo cho con cái ăn học” - chị Lam chia sẻ.