Tiết kiệm từng khoản nhỏ nhất
Trước đây, khi còn đi làm việc tại Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội), chị Nguyễn Thị Thu Huyền thường cho con tiền ăn sáng để cả hai chủ động khi đi làm, đi học. Nhưng từ khi mất việc vào giữa tháng 7 đến nay, chị nấu ăn sáng cho các con. “Tính ra tự nấu ăn sáng cho các con sẽ tiết kiệm được khoảng 600.000 đồng/tháng” - chị Huyền tính toán.
Thời điểm công việc còn ổn định, thu nhập của nữ công nhân này được khoảng 8 triệu đồng/tháng. Chồng chị có thu nhập khá cao - 25 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng chồng chuyển cho chị 5 triệu đồng để lo cho gia đình, giữ lại 20 triệu đồng để trả nợ tiền mua đất, xây nhà tại xã Nam Hồng (huyện Đông Anh, Hà Nội).
Như vậy, tổng cộng chị Huyền có 13 triệu đồng để lo việc học tập của 2 con, ăn uống, sinh hoạt, đi lại của cả gia đình. “Tôi thường xuyên để dành lại được một chút tiền. Thi thoảng tôi còn gửi tiền cho bố mẹ ở quê” - chị Huyền nói.
Thời gian trước khi nghỉ việc, thu nhập của nữ công nhân này chỉ dừng ở mức 5 triệu đồng/tháng. Sau khi nghỉ việc, không còn thu nhập, bước đầu chị trông chờ vào khoản hỗ trợ 9 tháng lương của công ty (tương đương 70 triệu đồng).
Khi biết chị mất việc, cuộc sống lâm vào cảnh khó khăn hơn, hàng xóm chị thường xuyên cho thực phẩm. “Trước đây, khi tôi làm việc, họ ngại không dám cho đồ ăn, nhưng giờ thấy tôi thất nghiệp, kêu nhiều quá nên thường kêu tôi qua lấy. Nhờ vậy tôi tiết kiệm được một số tiền đáng kể dùng để mua thực phẩm” - chị Huyền kể. Chưa kiếm được công việc mới, chị Huyền dự định sẽ xin đi bán hàng, thời gian làm việc từ 7 giờ đến 15 giờ, thu nhập 3,5 triệu đồng/tháng.
Mất việc khi sắp sinh con
Làm cùng công ty, cùng mất việc như chị Huyền, chị Đỗ Thị Loan (quê Vĩnh Phúc) lâm vào tình cảnh khó khăn hơn khi 2 tháng nữa sinh con thứ 3. Chồng chị cũng làm công nhân, thu nhập 7-8 triệu đồng/tháng.
Trước đây, khi công ty “ăn nên làm ra”, nữ công nhân này có mức thu nhập 10-11 triệu đồng/tháng. Tuy phải làm việc từ 8 giờ sáng đến 18 giờ trong ngày, nhưng chị Loan cũng chấp nhận bởi số tiền đó đảm bảo cho chị trang trải cuộc sống, nuôi 2 con ăn học. Hai năm nay, thu nhập của chị bị giảm sâu, chỉ còn 4-5 triệu đồng/tháng.
Ngày hôm trước mất việc, hôm sau nữ công nhân này trả nhà trọ để về quê. “Chồng tôi làm ở quê, 2 con học ở quê nên khi thất nghiệp, tôi hồi hương ngay. Hơn nữa, về quê sẽ đỡ tốn chi phí hơn, trong đó không mất khoản tiền thuê nhà. Ngoài ra, còn đỡ tiền mua thực phẩm bởi nhà có ao, vườn” - chị Loan cho hay.
Nữ công nhân sinh năm 1989 này chưa xác định rõ định hướng việc làm sau khi hết thời gian thai sản. Có một điều chị chắc chắn, đó là phải thắt chặt chi tiêu trong thời gian tới. “Tôi xác định chỉ chi tiêu những gì cần thiết, như học tập của 2 con lớn, rồi mua sữa cho con nhỏ… Tôi không chi tiền để mua những thứ chưa thực sự cần thiết. Đã lâu rồi, tôi chưa mua cho mình một bộ quần áo mới và chắc thời gian tới cũng sẽ như vậy...” - nữ công nhân nói.
Trong cuộc trò chuyện, chị Loan không giấu được sự lo lắng khi nghĩ đến thời gian sắp tới khi chị sinh con mà không còn việc làm, thu nhập... Hai con đầu, do không có sữa mẹ, nên chị phải mua sữa ngoài, rất tốt kém. “Cháu thứ 3 này có lẽ tôi vẫn phải mua sữa ngoài, mỗi tháng hết vài triệu đồng. Tôi sẽ dùng số tiền hỗ trợ 9 tháng lương của công ty để cùng chồng nuôi con, trang trải cuộc sống” - nữ công nhân mất việc sau 16 năm gắn bó với công ty này chia sẻ.