Tới đây khi sửa Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, có nhiều ý kiến cho rằng nên giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu thì sẽ khắc phục dần tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần.
Lộ trình giảm có thể xem xét chia làm 2 đợt - kéo giảm thời gian đóng xuống 15 năm, sau đó điều chỉnh còn 10 năm. Khi đó người lao động chỉ cần đóng 10 năm là đã đủ điều kiện hưởng lương hưu thì họ sẽ có thêm động lực để giữ khoản tiền bảo hiểm xã hội đến khi về hưu.
Về vấn đề này, bà Lý Hoàng Minh - Phó Trưởng Phòng Hưu trí, Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho hay - theo quy định hiện hành, điều kiện thời gian tối thiểu tham gia bảo hiểm xã hội để có cơ hội hưởng lương hưu là đủ 20 năm.
Điều này dẫn đến nhiều người lao động do có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội ngắn nên khi hết tuổi lao động, không tích luỹ đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu.
Đề xuất sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội lần này là thực hiện các mục tiêu mà Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề ra, trong đó có mục tiêu: Đến năm 2021 có khoảng 45% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, đến năm 2030 có khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu.
Do đó, việc sửa đổi giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu được hưởng lương hưu chính là để đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người lao động.
Chính sách này sẽ tạo động lực để người lao động có niềm tin đóng bảo hiểm xã hội, từ đó được hưởng lương hưu khi đủ tuổi để quyết định không rút bảo hiểm xã hội một lần.
Cũng theo bà Lý Hoàng Minh, lương hưu có ý nghĩa quan trọng trong cuộc sống người lao động khi về già. Có lương hưu, người lao động không chỉ hưởng thêm tiền hàng tháng mà còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế, được hưởng các quyền lợi khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ trọn đời do Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả với số tiền khó đong đếm được, đặc biệt đối với người mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh điều trị dài ngày.
Thực tế, cơ quan bảo hiểm đã chi trả hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả tỉ đồng để chữa trị cho những người hưởng lương hưu mắc bệnh hiểm nghèo.
Qua quá trình tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội từ trước đến nay, có nhiều người đã hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần từ rất lâu, khi về già, họ mong muốn nộp lại khoản tiền trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần đã nhận, tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội cho số năm còn thiếu để hưởng lương hưu nhưng không còn cơ hội vì pháp luật hiện hành không có quy định.
Như vậy, có thể thấy rõ việc người lao động được hưởng lương hưu sẽ có nhiều quyền lợi ưu việt hơn chọn nhận bảo hiểm xã hội một lần.
"Do vậy, trước khi quyết định hưởng bảo hưởng bảo hiểm xã hội một lần, người lao động hãy cân nhắc nghĩ đến các quyền lợi được hưởng chế độ hưu trí khi hết tuổi lao động.
Nhất là trong thời gian tới đây, người lao động sẽ dễ dàng tiếp cận và thụ hưởng lương hưu khi nhà nước sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm" - bà Lý Hoàng Minh nhận định.