Lương tháng công nhân bằng cả tấn lúa
Một ngày giữa tháng 9, chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Hương (21 tuổi, ở huyện Mỹ Đức, Hà Nội) cùng hàng trăm công nhân khi họ vừa tan ca ở một xí nghiệp may mặc trên địa bàn huyện Gia Lâm (Hà Nội). Tan ca, chị Hương vội ghé qua chợ cóc để mua thức ăn cho bữa cơm tối.
Chị Hương sinh ra trong gia đình làm nông nghiệp, nhà có 3 anh chị em và 7 sào ruộng trồng lúa. Chị và anh cả đã lên thành phố làm việc từ 2 năm nay, chỉ còn em út đang ở quê với bố mẹ.
Chị Hương nhẩm tính, làm công nhân, thu nhập trung bình của hai anh em khoảng 14-15 triệu đồng/tháng; sau khi trừ hết chi phí ăn ở, sinh hoạt... gửi về gia đình 5-6 triệu đồng/tháng để phụ giúp cho bố mẹ nuôi em trai ăn học và trang trải chi phí hằng ngày.
“Lúc hai anh em chưa lên thành phố, cả nhà làm 7 sào lúa chật vật lắm mới lo đủ 5 miệng ăn, chuyện học hành vì thế không dám mơ tới. Giờ chúng tôi lên đây vừa gửi thêm tiền về quê phụ bố mẹ lo cho đứa em út ăn học đến nơi đến chốn, vừa đỡ chật vật hơn. Thấy cuộc sống của gia đình mình tốt hơn từng ngày tôi cũng mừng” - chị Hương tâm sự.
Theo chị Hương, với giá thóc lúa hiện nay, nếu đem so với mức lương công nhân của chị từ 7-8 triệu đồng/tháng, thì mỗi tháng cũng phải đong được cả tấn thóc.
Cùng quan điểm, anh Nguyễn Thành Nam (28 tuổi, ở Thanh Oai, Hà Nội, hiện làm công nhân KCN Quế Võ, Bắc Ninh) cho hay, hiện nay làm ruộng đã cơ giới hóa nên nhàn hơn nhưng do tiền công và phân bón đều tăng, trong khi sản xuất lúa hai vụ cho năng suất thấp nên không có lãi, thậm chí thời tiết, sâu bệnh... còn lỗ.
“Đi làm công nhân cho công ty không phải lo nắng mưa, thời vụ cấy hái như làm ruộng, có thu nhập ổn định lại được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp nên cũng yên tâm hơn” - anh Nam nói.
“Ly nông” để thoát nghèo?
Theo khảo sát của Báo Lao Động, không chỉ các doanh nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp tập trung thu hút lao động mà tại nhiều thôn, xóm, nhiều xưởng may mặc, cơ sở cơ khí, đồ mộc gia dụng cũng phát triển nhiều đã thu hút phần lớn lực lượng thanh niên, người lao động trong độ tuổi vào làm việc. Do đó, ở một số địa phương xuất hiện tình trạng thiếu lao động làm ruộng khiến đất nông nghiệp bỏ không, thậm chí cho mượn cũng không ai nhận làm. Có hộ gia đình 4 - 5 nhân khẩu nhưng con cái đều đi làm công nhân tại các KCN ở Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang…
Ông Nguyễn Quang Thế ở huyện Đông Anh (Hà Nội) cho biết, gia đình có hơn mẫu ruộng, trong đó hơn một nửa bỏ hoang. “Tôi khuyến khích các con đi làm công nhân bởi thu nhập cao hơn, ổn định hơn” - ông Thế nói.
Theo thống kê của ngành LĐTBXH, hiện nay, tỉ lệ người lao động đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ nông nghiệp sang công nghiệp dịch vụ. Đó là bởi xu thế phát triển, máy móc trang thiết bị sản xuất nông nghiệp hiện đại hơn, cơ cấu cây trồng có sự chuyển dịch theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Đặc biệt, ngành nông nghiệp cần ít lao động chân tay hơn trước, trong khi đó, ngành công nghiệp và dịch vụ đòi hỏi số lượng lớn lao động, trong điều kiện ngày càng mở rộng đầu tư như hiện nay.
Tuy nhiên, việc này cũng kéo theo rất nhiều những phát sinh, nhiều nơi “bờ xôi ruộng mật” bỏ hoang, công nhân lao động làm việc, nhu cầu cuộc sống, nhu cầu sinh hoạt, nhu cầu nhà ở, trường học cho con cái cũng tăng, đòi hỏi chính quyền các cấp phải quan tâm xử lý, đảm bảo an sinh xã hội.