Người lao động không cố tình trục lợi
Dưới góc độ của đơn vị thực hiện quản lý đối tượng, cá nhân người lao động được hưởng chính sách BHTN, bà Vũ Thị Thanh Liễu - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) Hà Nội nhận định: Hiện nay, trong quá trình thực hiện tiếp nhận giải quyết, trung tâm đã phát hiện người lao động vi phạm BHTN, hưởng sai trợ cấp thất nghiệp, có cả các trường hợp đang trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp và các trường hợp đã chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp, tức là đã hưởng hết thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Theo số liệu từ Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2023, ngành đã chủ trì và phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện thanh tra, kiểm tra tại hơn 9.000 đơn vị. Kết quả, ngành đã ban hành, tham mưu ban hành 448 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền xử phạt là 15 tỉ đồng; yêu cầu truy thu tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN của 23.118 lao động đóng chưa đúng quy định với số tiền truy thu là 62,4 tỉ đồng.
Bà Liễu đánh giá, số tiền truy thu trên khá lớn nhưng đây là đối với các đơn vị doanh nghiệp. Còn đối với cá nhân người lao động thì đa số họ không cố tình vi phạm pháp luật BHTN, không cố ý trục lợi tiền trợ cấp thất nghiệp.
“Người lao động vi phạm hầu hết là công nhân làm việc tại các khu công nghiệp vừa và nhỏ, các khu chế xuất. Hơn nữa, đội ngũ cán bộ nhân sự tại các doanh nghiệp cũng chưa nằm vững các quy định về pháp luật lao động để tư vấn cho người lao động, dẫn tới hướng dẫn và thực hiện chưa đúng các quy định về giao kết hợp đồng lao động” - bà Liễu cho hay.
Cần thiết có sự phối hợp từ các bên
Bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá: Khi chính sách thực hiện không đúng sẽ gây ra những hệ lụy.
Đầu tiên là thất thu phần đóng (số người được hưởng tăng lên). Ngay từ đầu không ai muốn thất nghiệp để được hưởng BHTN, nhưng khi đến trung tâm dịch vụ việc làm, có người lao động sẽ nghĩ đến việc một lúc được hưởng 2 chế độ (BHTN và tiền lương) mà vẫn đi làm công việc khác.
Nếu trong quá trình thực hiện còn có những vướng mắc, thông tin không minh bạch rõ ràng có thể khiến thất thoát quỹ. Làm chính sách bảo hiểm thì quan trọng nhất là giám sát thất thoát, không để xảy ra tình trạng lạm dụng quỹ.
Bà Hương cũng chỉ ra những hạn chế của Luật Việc làm 2013 dẫn đến những nguy cơ có thể khiến người lao động tìm mọi cách trục lợi BHTN.
“Tôi cho rằng, Bộ luật Lao động, Luật Việc làm phải chặt chẽ hơn nữa, nên xử lý hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho những trường hợp người lao động bị buộc phải thôi việc do không bố trí được công việc; còn trường hợp đơn phương thì phải hạn chế, tìm hiểu kỹ” - vị chuyên gia đề xuất.
Về phía người lao động, cũng cần phải lưu ý điều quan trọng nhất, đó là một khi đã có công việc khác thì không được quyền hưởng BHTN. Để giám sát việc này, nếu thực hiện thông qua cơ quan BHXH sẽ có độ “trễ”, nên trung tâm DVVL cần phối hợp với BHXH để hậu kiểm.
Bà Hương đánh giá cao sự cần thiết khi sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp; nhất là tích hợp thông tin trên Căn cước công dân có thể giúp giải quyết nhanh chóng các chế độ an sinh; trong đó có thụ hưởng BHTN, giúp hạn chế, trục lợi, gian lận BHTN.