Điều trị 4 ngày chỉ được hưởng BHYT 2 ngày
Theo BHXH tỉnh Bình Dương, trong quý III/2020, cơ quan đã thực hiện công tác giám định chi phí khám chữa bệnh (KCB) BHYT tại một cơ sở bệnh viện phụ sản nhi ở Bình Dương. Qua giám định, cơ quan BHXH Bình Dương ghi nhận một số trường hợp bệnh nhân BHYT chưa được hưởng đúng mức theo quy định. Cụ thể, một số trường hợp điều trị 4 ngày nhưng bệnh viện cho hưởng bảo hiểm y tế 2 ngày, phần còn lại bệnh viện đã đề nghị bệnh nhân thanh toán tiền. Cơ quan BHXH Bình Dương cho biết, việc này thực hiện chưa đúng quy định.
BHXH tỉnh Bình Dương đã có công văn đề nghị Sở Y tế Bình Dương chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) BHYT thực hiện việc tiếp nhận người bệnh BHYT theo đúng điều 14, 15 Nghị định 146 quy định về mức hưởng và thủ tục KCB BHYT. Phía Sở Y tế Bình Dương sau đó đã có công văn chỉ đạo các cơ sở y tế KCB BHYT trên địa bàn thực hiện đúng quy định về mức hưởng và thủ tục KCB BHYT. Đồng thời, đề nghị các cơ sở trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc cần liên hệ ngay với BHXH tỉnh Bình Dương và Sở Y tế để phối hợp giải quyết.
5 trường hợp đã chết vẫn phát sinh khám chữa bệnh BHYT
Đáng chú ý, gần đây, qua kiểm tra dữ liệu, Cơ quan BHXH tỉnh Bình Dương ghi nhận 5 trường hợp xác định đã tử vong nhưng sau đó vẫn phát sinh phí KCB BHYT. Ngày 11.12, Sở Y tế tỉnh Bình Dương đã gửi công văn khẩn yêu cầu các đơn vị y tế liên quan tiến hành xác minh lại thông tin của người tham gia BHYT có phát sinh chi phí KCB BHYT sau ngày tử vong.
Ngày 21.12, Sở Y tế Bình Dương đã có văn bản giải trình gửi BHXH tỉnh Bình Dương và UBND tỉnh Bình Dương. Theo đó, trường hợp tại Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa Hoàn Hảo, bệnh nhân đến cấp cứu trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở. Người nhà xin về nhưng quên mang BHYT. Sau đó, tang gia bối rối nên hôm sau mới mang thẻ của bệnh nhân đến. Từ đó dẫn đến thời gian vào, ra viện lệch ngày giờ.
Trường hợp KCB BHYT tại Trung tâm Y (TTYT) tế TP.Dĩ An (phường Tân Đông Hiệp), người đàn ông đã sử dụng thẻ BHYT của cha mình (đã chết) để đi KCB. Trong quá trình tiếp nhận, nhân viên y tế chủ quan không thực hiện đúng thủ tục trong việc kiểm tra đối chiếu nên để xảy ra tình trạng trên. Các đơn vị đã thống nhất giảm trừ chi phí sai sót cho trường hợp này.
Trường hợp tại TTYT P.Bình An - TTYT TP.Dĩ An, bác sĩ có khám cho bệnh nhân nhưng chưa thành thạo việc sử dụng phần mềm mới nên đã click nhầm vào chỗ bệnh nhân đã chết mà không biết.
Trường hợp tại Phòng khám đa khoa khu vực Phước Hòa - TTYT huyện Phú Giáo, bệnh nhân cấp cứu tai nạn giao thông, do người nhà không đồng ý chuyển tuyến trên, kíp trực sử dụng thuốc từ tủ trực cấp cho bệnh nhân về nhà nhưng chưa kê vào bệnh án. Ba ngày sau đó, kíp trực mới kê toa thuốc điều trị ngoại trú để bù vào tủ trực đã mượn trước đó. Phòng khám đa khoa khu vực Phước Hòa đã họp kíp trực kiểm điểm và yêu cầu kíp trực có trách nhiệm thanh toán cho BHXH Bình Dương số tiền mà bệnh nhân đã điều trị.
Trường hợp tại Công ty CP Bệnh viện Năm Anh, một người do có quen biết với bác sĩ đã mang thẻ BHYT của bố (đã chết) đến xin thuốc tăng huyết áp về cho mẹ sử dụng. Vì vậy, chi phí khám chữa bệnh BHYT phát sinh sau khi tử vong. Người con sau đó đã giải thích, do nghĩ đơn giản là có thẻ BHYT còn hiệu lực và bố từng khám lấy thuốc cao huyết áp giống với các loại thuốc mẹ đang sử dụng, nên mang thẻ BHYT của bố đã mất trước đó mấy ngày lấy thuốc về cho mẹ mà không khai báo với bác sĩ.
Trao đổi với phóng viên, bà Lê Minh Lý - Giám đốc BHXH tỉnh Bình Dương - cho biết, sau khi phát hiện các sự việc, đơn vị đã đề nghị các cơ sở KCB kiểm tra quy trình tiếp nhận và xác định rõ nguyên nhân vì sao đối tượng đã xác nhận tử vong nhưng sau đó vẫn phát sinh chi phí KCB BHYT. Bên cạnh đó, xử lý các cá nhân liên quan đến quy trình tiếp nhận và điều trị bệnh để dẫn đến các sai sót phát sinh chi phí KCB.