Hiện, Kiên Giang đang tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp thu hút lực lượng lao động quay trở lại làm việc trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, các cơ sở sản xuất nông lâm ngư nghiệp trên địa bàn. Đồng thời, tiếp tục triển khai các phương án giải quyết việc làm cho người lao động từ các địa phương khác trở về, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế địa phương.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Kiên Giang có hơn 100.000 lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, trong đó tại các khu công nghiệp là gần 15.000 lao động. Ông Đặng Hồng Sơn, Giám đốc Sở LĐTBXH cho biết, tính đến hết tháng 8.2022, Kiên Giang đã phê duyệt và chi hỗ trợ tiền thuê nhà cho trên 10.000 lượt lao động tại hơn 400 doanh nghiệp với tổng số tiền trên 15 tỉ đồng, đạt 100% so với số lao động đã phê duyệt.
Đối với chính sách hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động, Kiên Giang đã phê duyệt cho trên 1.300 lượt lao động với tổng số tiền trên 2 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 100% so với số đối tượng đã phê duyệt.
Tính đến giữa tháng 9.2022, Kiên Giang có số doanh nghiệp thành lập mới là 1.400, 340 doanh nghiệp hoạt động trở lại. Theo ông Nguyễn Văn Hoàng, Giám đốc Sở Công Thương Kiên Giang, tỉnh đã thành lập đoàn khảo sát rà soát, đánh giá hiện trạng sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp trọng điểm nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc để giúp doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và đảm bảo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo quy định.
Nội dung khảo sát về kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, những thuận lợi, khó khăn từ đầu năm đến nay về nguyên liệu đầu vào, thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, lao động, vốn… Khảo sát việc doanh nghiệp tiếp cận các gói, chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, sự hỗ trợ của các sở, ngành liên quan và địa phương giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh trong thời gian qua. “Qua khảo sát sẽ ghi nhận khó khăn, vướng mắc, cản trở đến tiến trình phục hồi sản xuất kinh doanh cũng như những đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp để tỉnh có giải pháp tháo gỡ”, ông Hoàng cho biết.
Kiên Giang cũng thành lập Tổ Chỉ đạo phục hồi sản xuất công nghiệp của tỉnh nhằm điều hành, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phục hồi sản xuất công nghiệp trên địa bàn. Ông Lê Quốc Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Tổ trưởng Tổ Chỉ đạo phục hồi sản xuất công nghiệp của tỉnh cho biết, Tổ chỉ đạo nắm bắt tình hình, hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp tổ chức phương án sản xuất và lưu thông hàng hóa phù hợp với tình hình mới; hỗ trợ doanh nghiệp trong tuyển dụng, cung ứng lao động đối với lĩnh vực dệt may, da giày, thủy sản.
“Tổ sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra các hoạt động vận tải, lưu thông hàng hóa phục vụ sản xuất, kinh doanh. Thực hiện kết nối ngân hàng - doanh nghiệp về chính sách vay vốn ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ… cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp góp phần thúc đẩy sản xuất công nghiệp, nhằm đạt mức cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và những năm tiếp theo”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thông tin thêm.