Ăn mì tôm trừ bữa
Anh Mạc Văn Long (SN 1999) là một một hoàn cảnh như vậy. Quê ở huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, trước đây, anh Long từng sang Trung Quốc làm việc, nhưng do dịch nên sau khi về quê, anh không tiếp tục sang được nữa. Cách đây gần nửa tháng, sau khi lên mạng tìm thông tin, biết Công ty Luxshare ICT (Khu công nghiệp Quang Châu, tỉnh Bắc Giang) đang tuyển dụng nhiều lao động, anh quyết định xuống Bắc Giang để kiếm việc. Dắt túi được gần 3 triệu đồng, anh đến thuê nhà trọ tại thôn Trung Đồng, xã Vân Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang rồi gửi hồ sơ kiếm việc.
Với số tiền ít ỏi, anh phải chi rất nhiều thứ tại nơi ở mới. Từ miền núi xuống, anh không tưởng tượng được nhà trọ ở khu vực này lại đắt đỏ như vậy. “Tôi thuê nhà trọ 1,3 triệu đồng/tháng. Muốn thuê rẻ hơn, dưới 1 triệu cũng không có, vì khu vực này nhà trọ giá rẻ nhất đã 1,1 triệu đồng/tháng rồi. Nếu trọ xa hơn thì rất bất tiện, đi lại rất vất vả, vì khu vực này thường xuyên tắc đường. Tiền ăn hằng ngày ít nhất cũng phải 50.000-100.000 đồng, rồi tiền xăng xe đi lại” - anh Long kể.
Anh được nhận vào làm ở công ty, tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang… Trưa 20.5, trao đổi với phóng viên qua điện thoại anh Long tâm sự: “Tôi mới làm việc được 10 ngày thì khu công nghiệp bị phong toả, khu nhà trọ tôi cũng vậy. Tôi đang trong thời gian thử việc và chưa nhận được lương. Đi làm nhưng chưa kiếm được đồng nào, trong tay tôi chỉ còn đúng 100.000 đồng”.
Bình thường, anh Long ăn cơm trưa ở công ty, còn vào buổi chiều tối, anh hay ra quán để ăn cơm bình dân. Hiện giờ, hàng quán đã đóng cửa hết, hơn nữa, để tiết kiệm, 4 ngày nay, anh chỉ ăn mì tôm qua bữa. Thùng mì tôm này được anh mua hôm trước khi phong toả, với giá 100.000 đồng. Để tiết kiệm được một bữa sáng, anh ngủ đến 10 giờ mới dậy; sau đó ăn một gói mì tôm vào lúc hơn 11 giờ trưa. Rồi anh nằm trong phòng, nghịch điện thoại hoặc lại… ngủ, chờ đến 17 giờ chiều ăn gói mỳ tôm thứ 2. “Nếu vào lúc đêm, thấy đói, tôi lại pha thêm một gói mì tôm nữa. Ăn nhiều mì tôm nên tôi thấy người rất khó chịu, nhưng không thể không ăn. Nếu hết thùng mì tôm này, tôi dự định sẽ xuống mua chịu tại quán của chủ nhà trọ. Mình đang ở đây nên họ sẽ bán chịu cho mình, đợi sau có lương thì sẽ trả lại” - anh Long nói.
Là con trai, với áp lực kiếm tiền không những cho bản thân mà còn phải gửi về cho gia đình, nên anh Long không dám nói thật với bố mẹ tình cảnh của mình hiện nay. “Bố mẹ đều làm nông, cuộc sống rất khó khăn, nói ra, bố mẹ không thể giúp được gì, lại còn lo lắng thêm. Tốt nhất là cố gắng chịu đựng một mình, mong cho quãng thời gian này chóng qua, công việc trở lại bình thường” - anh Long chia sẻ.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trường hợp khó khăn như anh Long không phải là ngoại lệ. Họ đều là những công nhân do mới xuống làm, chưa có lương, nên rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn, thiếu thốn.
Công đoàn kịp thời hỗ trợ
Chiều 20.5, trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Ngô Đức Thắng, Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang cho biết, đối với các trường hợp công nhân lao động đang thuê trọ có hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn do phong toả, Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh đã chỉ đạo các công đoàn cơ sở rà soát các nhà trọ, lập danh sách gửi lên Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh để phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ các nhu yếu phẩm, như: Gạo, mì tôm, cá khô, lạc… “Ngay trong chiều 20.5, Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh đã xuống thôn Trung Đồng, xã Vân Trung, huyện Việt Yên để trao 5 tấn gạo của Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang tới người lao động đang thuê trọ tại thôn. Số gạo này sẽ được trao qua các chủ nhà trọ để phát tới công nhân lao động, do công nhân lao động phải tự cách ly” - ông Thắng cho biết.
Ông Thắng nói thêm, trong ngày 21.5, Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh sẽ dự kiến sẽ trao quà hỗ trợ của Công đoàn các Khu công nghiệp tới các khu nhà trọ tại thuộc xã Quang Châu, thị trấn Nếnh (huyện Việt Yên). Hiện nay, Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh đã nhận được 1 tấn gạo và 400 thùng mì tôm các doanh nghiệp ủng hộ để gửi tới công nhân lao động đang thuê trọ.